Chuyển động Nhà nông 23/3.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận xác nhận, tại địa phương, đã manh nha việc nông dân tự chặt bỏ cây thanh long, một thời mệnh danh là "cây làm giàu" này. Tại huyện Hàm Thuận Bắc, 1 trong 2 vùng thanh long trọng điểm của Bình Thuận, nhiều nông dân tại các xã Hàm Chính, Hàm Đức, Hàm Hiệp, Hàm Thắng… đã phá bỏ cây trồng này với diện từ 100-360 ha. Thống kê ban đầu, toàn huyện có khoảng 1.500 ha thanh long bị phá bỏ từ đầu năm 2021 đến nay. Việc trái thanh long dội hàng, giá thu mua bấp bênh kéo dài khiến người nông dân thật sự lâm vào cảnh khó khăn. Thực tế, không ít trường hợp đã lựa chọn chặt bỏ cây trồng nhiều tâm huyết này, bởi họ không đủ nguồn lực để tiếp tục dù có người chặt bỏ rồi chưa biết tái đầu tư gì. Những năm qua, thanh long ở Bình Thuận liên tục phát triển "nóng", vượt xa quy hoạch, chiếm hơn 50% diện tích của cả nước, tập trung ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bình Bắc…
Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó, nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu chuyển hướng và tìm kiếm các thị trường mới để thay thế. Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (chiếm 65-80% tổng kim ngạch ngành hàng này). Thế nhưng, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 260 triệu USD).
Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%, đạt 46 triệu USD); Hàn Quốc tăng gần 32%, đạt 25 triệu USD; Nhật Bản tăng 12%, đạt 23 triệu USD)… Cùng với đó, xuất khẩu rau quả sang Australia tăng 45%, Hà Lan tăng 51,5%...
Nhiều doanh nghiệp đánh giá, rau quả Việt Nam có rất nhiều cơ hội tại thị trường EU bởi Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Đặc biệt, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế suất một số loại rau, quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực.
Hiện, giá cua biển đtại Cà Mau và các tỉnh ven biển là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang…đang đồng loạt tăng giá. Người dân và doanh nghiệp cho biết nguyên nhân giá cua tăng là do sản lượng ít, trong khi sắp đến lễ Thanh Minh (ngày 5/4). Cua thịt loại 4 con/kg giá 330.000 đồng, 3 con/kg 380.000-400.000 đồng, loại 2 con/kg giá 450.000-500.000 đồng. Giá này tăng hơn nửa tháng trước từ 50.000-70.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 20 con/kg giá 230.000, 25 con 180.000 đồng. Tôm loại 90 con giá 107.000 đồng, 100 con 100.000 đồng. So với tuần trước, giá tôm hôm nay tăng 2.000-5.000 đồng/kg. Trước đó, tại Cà Mau, đã xảy ra tình trạng cua biển chết bất thường với tỷ lệ cao. Sáng 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các địa phương báo cáo diện tích cua biển nuôi bị chết bất thường.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện còn 165.593ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện, thị xã. Việc sản xuất lúa những năm gần đây trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về ứng dụng cơ giới hóa và sử dụng giống chất lượng cao. Tuy nhiên, so với các loại rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh, giá trị từ cây lúa chưa cao. Chính vì vậy, trong định hướng cơ cấu lại trồng trọt, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa từ 165.593ha hiện nay xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha) để chuyển sang cây trồng khác như rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh… Hà Nội cũng tiếp tục phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống chất lượng cao phục vụ người dân Thủ đô, hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác lúa chất lượng cao đạt ít nhất 85%.