Dưới đây là 5 cách các lệnh trừng phạt của Mỹ do chiến sự Nga - Ukraine khiến nền kinh tế Nga "điêu đứng"
Ngân hàng JP Morgan ước tính kinh tế Nga sẽ suy giảm 35% trong quý 2/2022 và 7% trong cả năm 2022, trong khi lạm phát trong nước có thể cán mức 14% vào cuối năm nay. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), niềm tin doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Nga giảm sút và lung lay mạnh mẽ. Quỹ này cũng dự đoán các lệnh trừng phạt sẽ làm "phá giá" tài sản ở Nga và thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh ra khỏi nước này.
Sự ra đi của nhiều công ty quốc tế cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của người Nga. "May mắn là cuộc sống của tôi cũng chưa có nhiều biến động dù đang bị tước đi kha khá những điều bình thường như không thể sử dụng các dịch vụ của Apple Pay, xem Netfilx hay mua hàng từ các trang thương mại điện tử nước ngoài. Mạng xã hội như Facebook hay Instagram đã bị cấm dùng. Hàng hoá đều tăng giá đặc biệt là hàng nhập khẩu", một phụ nữ Nga giấu tên trả lời trên tờ the Hill cho hay.
Ngân hàng trung ương của Nga đang vật lộn để ổn định đồng Rúp và ngăn lãi suất tăng mạnh khi không có quyền tiếp cận một nửa khoản dự trữ ngoại hối. Đồng Rúp của tiếp tục lao dốc và "bốc hơi" hơn 30% giá trị. So với thời điểm Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine năm 2014, giá trị đồng Rúp đã giảm khoảng một nửa.
Thị trường chứng khoán của Nga cũng đang bị đóng cửa nhiều tuần qua và nguy cơ các cổ phiếu của các công ty trong nước có khả năng lao dốc khi thị trường được giao dịch trở lại. Cho đến thời điểm hiện tại, Nga vừa tránh được vỡ nợ nước ngoài bằng cách hoàn thành các khoản thanh toán lãi suất quan trọng đối với hai đồng euro có mệnh giá bằng USD.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết làn sóng trừng phạt của phương Tây đang khiến kinh tế Nga co lại đột ngột, đẩy quốc gia này vào nguy cơ suy thoái sâu rộng. "Đồng rúp của Nga đang lao dốc. Điều đó có nghĩa là gì? Thu nhập thực tế đã bị thu hẹp. Sức mua của người dân Nga đã giảm đáng kể", bà Georgieva khẳng định.
Nước Nga dần hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu hoá kể từ năm 1990 phải kể đến như công nghệ và hàng không. Khi bị áp các lệnh trừng phạt, Nga không có quyền truy cập vào các bộ phận được sản xuất, thiết kế hoặc kiểm soát đang gây ra những xáo trộn nghiêm trọng với ngành sản xuất nước này.
"Điều này thể hiện rõ trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Nga. Khoảng một nửa số nhà máy sản xuất xe ô tô của Nga phải đóng cửa do không đủ nguyên liệu lắp ráp cần thiết", Giáo sư Miller thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (ADI) cho hay. "Chúng ta sẽ còn thấy điều này ở nhiều lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp Nga khi các vấn đề về chuỗi cung ứng tích tụ theo thời gian", ông nhận định.
Thành phần quan trọng khác được sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp khác là chíp bán dẫn dùng để lưu trữ và xử lý dữ liệu cho các sản phẩm từ điện thoại thông minh tới hệ thống vũ khí. Nga hiện đang nhập phần lớn các linh kiện từ Trung Quốc nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chất lượng hàng từ Trung Quốc kém xa so với tiêu chuẩn hàng phần cứng đến từ Mỹ hay các quốc gia Đông Á khác.
"Trên thế giới hiện Đài Loan là quốc gia sản xuất chip tiên tiến nhất, tiếp theo phải kế đến Hàn Quốc và Intel của Mỹ. Hàng chip bán dẫ nội địa của Nga sản xuất phải mất 10 năm mới đuổi kịp về công nghệ với các quốc gia trên", Giáo sư Miller của ADI nhận xét.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết: "Một mình Trung Quốc không thể cung cấp tất cả các nhu cầu thiết yếu cho quân đội Nga. Trung Quốc không có bất kỳ sản xuất nào của các nút công nghệ tiên tiến nhất. Cả Nga, Trung Quốc đều phụ thuộc vào các nước cung cấp khác và tất nhiên là cả công nghệ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu của họ".
Đối với nhiều người Nga, cuộc khủng hoảng hiện tại gợi lại "ác mộng" về những năm 1990, thời kỳ đất nước này phải đối mặt với tình trạng suy thoái kéo dài khi nền kinh tế được tái cơ cấu sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, từ năm 1989 đến năm 1996, GDP của Nga đã giảm hơn 40%. Tình hình kinh tế của nước Nga từng tồi tệ đến mức IMF đã phải ổn định đồng Rúp vào năm 1995 bằng các biện pháp kiểm soát tiền tệ chặt chẽ và các mục tiêu tỷ giá hối đoái danh nghĩa. Ekaterina Selyuzhitskaya, một công dân Nga làm phiên dịch tại thành phố Đông Quan, Trung Quốc chia sẻ với tờ the Hill: "Người dân Nga từng phải đối mặt với rất nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, đến mức hầu như với chúng tôi lúc nào cũng là khủng hoảng". Selyuzhitskaya cho biết, lao động Nga ở khu vực công được hưởng mức độ ổn định tài chính cao hơn so với những người làm ở khu vực tư nhân, đặc biệt là những người làm việc cho các công ty quốc tế.
Các lệnh trừng phạt đang khiến dân Nga không thể sử dụng phần lớn khỏi các dịch vụ tài chính, công nghệ và công ty giải trí của Mỹ, bao gồm Apple, Netflix, Visa và Mastercard. Các thương hiệu của Mỹ như McDonalds và Levis, những doanh nghiệp từng vượt qua "Bức màn Sắt" một thời, giúp mở ra một kỷ nguyên tự do hóa kinh tế mới ở Nga, cũng lũ lượt ra đi nhằm đáp trả hành động khiến diễn ra chiến sự Nga - Ukraine và hưởng ứng các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế này. Nhiều công ty, nhất là các nhà bán lẻ và sản xuất, cho biết quyết định ngừng hoạt động của họ chỉ là tạm thời. Một số thì nói rằng rất cần thiết bởi các lệnh trừng phạt gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Theo Wall Street Journal, các công tố viên Nga cảnh báo có thể bắt giữ lãnh đạo hoặc thu hồi tài sản của các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi nước này. Nguồn tin của WST cho biết, trong tuần qua, công tố viên Nga đã gửi cảnh báo các công ty như Coca-Cola, McDonald's, Procter & Gamble Co., International Business Machines và chủ sở hữu KFC - Yum Brands. Các doanh nghiệp này bị dọa kiện hoặc tịch thu tài sản, bao gồm cả nhãn hiệu.
Lê Trang (Theo The Hill)