Nhiều tháng liền đi dạy không lương
"Buồn lắm, chúng tôi cũng chưa biết có trụ được nữa hay không". Cô Hoàng Thị Miền (SN 1989), giáo viên Trường Mầm non Tam Chung, huyện Mường Lát mở đầu câu chuyện với tôi.
Cô Miền là người dân tộc Thái ở bản Lát, xã Tam Chung, cô vào công tác trong ngành giáo dục từ tháng 5/2018 với tư cách là giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06/NĐ-CP, năm 2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, năm 2020 của Chính phủ về chính sách đối với giáo viên Mầm non theo Nghị định 06 được thực hiện đến hết năm 2021.
Như vậy, với cô Miền cũng như hàng chục giáo viên Mầm non khác không chỉ tại huyện Mường Lát mà trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đang rơi vào tình cảnh chưa biết tương lai mình rồi sẽ đi về đâu…
"Chồng thì không có công việc ổn định, đi phụ hồ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi con còn nhỏ, nay ốm mai đau, tiền xăng xe rồi tiền ăn uống cũng phải vay mượn, bây giờ hết chỗ vay rồi. Chưa kể tiền ngân hàng nữa, không có lương đến tháng cũng phải trả nợ ngân hàng, gói ghém, vay mượn trả được lãi thôi, gốc không đủ khả năng trả được", cô Miền tâm sự.
Nói đến đây, cô Miền cười, nhưng tôi cảm nhận được sau nụ cười đó là cả một nỗi niềm trăn trở và không biết rồi đây, với tình cảnh này thì cô Miền cũng như nhiều giáo viên khác chỉ với tình yêu nghề liệu có bám trụ nổi?
"Đi dạy cả ngày, không có thời gian làm thêm, cái gì cũng phải vay mượn. Bây giờ cũng không biết phải làm thế nào, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền lương của tôi thôi, mà 2 tháng nay chưa có lương, không biết phải xoay xở ra sao. Chúng tôi mong muốn được cấp trên tạo điều kiện, được đồng nào hay đồng đó", cô Miền mong muốn.
Cùng chung tình cảnh là giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06 nhưng cô Dương Thị Nhàn, giáo viên Trường Mầm non xã Tam Chung, huyện Mường Lát có khá hơn khi chồng cô cũng công tác trong ngành giáo dục, dù sao cũng còn một suất lương để trang trải cuộc sống.
Cô Nhàn cũng vào nghề từ tháng 5/2018 và cũng đã hơn 2 tháng nay, hàng ngày các cô vẫn đi dạy đều đặn nhưng lương thì chưa được nhận. Niềm hi vọng được nhen nhóm khi mới đây, huyện Mường Lát động viên và hứa từ tháng 3 sẽ cho các cô tạm ứng một tháng 3,5 triệu đồng.
"Trước đây đi làm bình thường, lương so với trên đây chi tiêu không phải là thoải mái nhưng cũng tạm đủ. Hiệu trưởng rồi mọi người động viên nhau tiếp tục đến trường, chờ đợi chủ trương, chính sách của cấp trên. Chúng tôi vẫn muốn gắn bó với nghề và mong tỉnh quan tâm. Nếu cứ duy trì tình hình này lâu thì một số cô chắc không trụ nổi. Nhiều cô có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bấp bênh, chỉ phụ thuộc vào đồng lương, không làm được việc gì khác", cô Nhàn tâm sự.
Theo cô Hàn Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung, nhà trường có tổng 22 cán bộ, giáo viên thì có 9 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06, có nhiều cô công tác trong nghề đã 7, 8 năm. Trong trường hợp cả 9 giáo viên này bị chấm dứt hợp đồng thì nhà trường sẽ thiếu giáo viên trầm trọng.
Trong 2 tháng vừa qua, các giáo viên rất khó khăn khi đi dạy mà chưa được nhận lương. Nhà trường đã gặp gỡ, động viên để các cô đến trường duy trì dạy trẻ, chờ hướng dẫn của cấp trên. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà trường rất khó khăn.
"Bình thường đang hưởng mức lương như vậy để trang trải cuộc sống gia đình, giờ mà chấm dứt hợp đồng thì sẽ rất khó khăn với các cô. Tâm lý thì vẫn yêu nghề nhưng các cô chỉ trông chờ vào tiền lương hàng tháng", cô Giang chia sẻ.
Chờ hướng dẫn của tỉnh
Không riêng gì Trường Mầm non Tam Chung, tại Trường Mầm non xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát cũng có 8 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06. Theo cô Tống Thị Ninh, Hiệu trưởng nhà trường, nếu 8 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng thì 8 lớp trẻ phải dừng đến trường nên hiện các cô vẫn đang lên lớp bình thường.
"Các đơn vị nhà trường không thể dừng hoạt động được. Thực tế, giáo viên không có một nguồn thu nào ngoài lương, nhất là giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, đời sống giáo viên không phải dư giả gì, nhiều cô trong gia đình chỉ có một suất lương, trong khi đó, có thể "gánh" thêm một sổ nợ ngân hàng nữa", cô Ninh chia sẻ.
Thời gian qua, để số giáo viên nêu trên có tiền sắm Tết, cũng như trang trải cuộc sống, nhà trường đã bàn bạc, thống nhất trích từ nguồn chi hoạt động chuyên môn cho các cô tạm ứng lương đến tháng 2, để giải quyết khó khăn trước mắt.
"Khi đã vào ngành rồi, bằng tình yêu nghề, các cô đang muốn theo đuổi, cũng buồn và lo lắng không biết tương lai sẽ như thế nào. Theo chỉ đạo của huyện, từ tháng 3 này sẽ ký hợp đồng trường cho các cô, với mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng/tháng và các cô cũng nhất trí để theo đuổi, chờ đến khi có hướng dẫn cụ thể của cấp trên", cô Ninh trăn trở.
Trao đổi với Dân trí, ông Lò Văn Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, huyện đã làm việc với các giáo viên và đã xin ý kiến của tỉnh. Trước mắt, trong khi chờ hướng dẫn thực hiện quy định mới thì huyện tạm thời hỗ trợ cho mỗi cô 3,5 triệu đồng/tháng.
"Toàn huyện có 58 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06, các cô vẫn đi làm bình thường và mong muốn sớm có hướng dẫn của tỉnh để yên tâm công tác. Trên địa bàn huyện theo quy định của tỉnh còn thiếu khoảng 60 giáo viên Mầm non", ông Tuấn thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, tỉnh đang giao cho các sở, ngành tham mưu để có hướng dẫn cụ thể. Huyện cũng đã động viên các cô yên tâm công tác, tỉnh đang rất quan tâm để giải quyết vấn đề này.
"Nhiều giáo viên đi dạy không lương, huyện chỉ có thể cho các giáo viên tạm ứng. Tháng 1 và tháng 2 sau này khi có hướng dẫn mới thì sẽ truy lĩnh tiền lương cho các cô. Bắt đầu từ tháng 3, huyện cho ứng tiền mỗi cô 3,5 triệu đồng/tháng", ông Bình cho biết.