Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc... mất tích
Trong thông tin phản hồi gửi báo chí, Tổng cục Thuế cho biết: Vừa qua, trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế GTGT của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế GTGT. Cụ thể, một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế,…
Thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp giữa các Cơ quan Thuế đã phát hiện có một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại hoặc đã bỏ trốn mất tích từ lâu.
Theo Tổng cục Thuế, để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/3/2022 chỉ đạo nội bộ Cơ quan Thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế.
Trong đó, yêu cầu các Cục Thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn.
Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua công an điều tra, khởi tố.
Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của Cơ quan Thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam...), thì Cục Thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển Cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của Cơ quan công an và các cơ quan có liên quan thì Cục Thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (Hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài,...) hoặc qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan thì Cục Thuế cung cấp thông tin vi phạm của Người nộp thuế cho Cơ quan Hải quan kiểm tra và giám sát hải quan theo quy định, đồng thời đề nghị Cơ quan Hải quan phối hợp với Cơ quan Hải quan nước ngoài xác minh, điều tra làm rõ (thực tế có xuất khẩu hay không,...).
Công văn 632 chỉ là văn bản nghiệp vụ
Vẫn theo Tổng cục Thuế lý giải: Trước đó, ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
"Như vậy có thể khẳng định nội dung chỉ đạo tại Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế là nhất quán với nội dung trao đổi, chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam về điều kiện, thủ tục để được hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Đây cũng là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ trong nội ngành Thuế nhằm tăng cường công tác quản lý chống gian lận hoàn thuế, là biện pháp nghiệp vụ phòng chống hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách Nhà nước và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước"- văn bản của Tổng cục Thuế nêu.
Theo Tổng cục Thuế: Việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành Thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Dân Việt trước đó, ông Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết: "Hoạt động mua bán sắn và các sản phẩm từ sắn qua Trung Quốc, là hoạt động mua bán biên mậu theo Nghị định 14 của Chính phủ. Cũng như nhiều nông sản khác bán qua biên giới, chúng ta đưa hàng lên cửa khẩu, làm thủ tục thông quan. Phía bạn, có khoảng 10 đơn vị đầu mối đứng ra thu mua. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, các đơn vị này vẫn thường sang Việt Nam làm việc với Hiệp hội và các DN trong nước. Họ ký mua hàng xong thì chuyển tiền thanh toán".
"Như vậy, yêu cầu xác minh khách hàng là không cần thiết. Điều quan trọng là giao được hàng, lấy được tiền. DN Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm pháp lý cho đến cửa khẩu thôi. Nghĩa là Hải quan xác nhận số hàng mà DN giao và ngân hàng chuyển tiền, chứ sao lại cần phải xác minh danh tính doanh nghiệp mua số sắn đó làm gì nữa"- ông Lạng nói rõ.
Về việc Tổng cục Thuế cho rằng, khi xác minh phát hiện nhiều DN nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc mất tích, không tồn tại, ông Nguyễn Văn Lạng cho rằng: "Mua bán qua biên mậu là hoạt động đặc thù giữa 2 nước. Tuy nhiên, pháp luật 2 nước không tương đồng. Việc DN Việt Nam bán sắn cho đơn vị hay tổ chức nào của Trung Quốc không quan trọng. Vì luật pháp không quy định bắt buộc phải bán cho người này hay người kia. Quan trọng là DN Việt Nam có bán hàng đi Trung Quốc.
Có thể, khách hàng Trung Quốc lợi dụng khe hở luật pháp để trốn thuế nên không thừa nhận với cơ quan chức năng, dù đã đăng ký mua hàng.
Hàng hóa đã bán sang bên kia, khách hàng Trung Quốc sử dụng ra sao, kể cả việc lách thuế như thế nào là trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc.
Các DN chỉ phải chịu trách nhiệm trên lãnh thổ Việt Nam, và họ đã hoàn tất công việc của mình. Nếu phía khách hàng phạm luật, lại bắt DN trong nước chịu trách nhiệm là không đúng.
Ông Nguyễn Văn Lạng cũng cho biết, cho đến nay, Hiệp hội Sắn chưa hề nhận được văn bản của Tổng cục Thuế. Cụ thể: Tại hội nghị ngày 10/12/2021, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã kết luận theo hướng giải quyết thủ tục hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành sắn.
Hiệp hội đã ghi nhận lại toàn bộ thông tin từ hội nghị này. Sau hội, Hiệp hội có văn bản đề nghị đề nghị Tổng cục Thuế có kết luận hội nghị chính thức bằng văn bản.
"Từ đó đến nay, Hiệp hội vẫn chưa nhận được văn bản. Trong khi vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 7/3/2022 Tổng cục Thuế ban hành tiếp Công văn 632. Như vậy, có phải Tổng cục Thuế đang tự mâu thuẫn chính mình?"- ông Lạng đặt câu hỏi.
Về thiệt hại của các DN do chưa được hoàn thuế GTGT, ông Lạng nói rõ: Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với mặt hàng sắn xuất khẩu, với thuế suất bằng 0%. Và DN được hoàn thuế GTGT. Nôm na là DN ứng tiền cho nhà nước để giao dịch thương mại, sau đó nhà nước trả lại.
Nếu không trả lại, DN sẽ cực kỳ khốn đốn, thậm chí phá sản vì tất cả kinh phí này đều vay từ ngân hàng để đầu tư cho 1 đơn hàng hoặc dự án.
Đến nay, đã có 42 đơn vị thành viên trên cả nước của Hiệp hội chịu thiệt. Dù chưa thống kê được tổng số tiền thuế GTGT chưa được hoàn lại, nhưng công văn 632 rõ ràng tác động lớn đến ngành sắn của cả nước, cả các DN trong và ngoài Hiệp hội.