Dân Việt

Bị bắt vì liên quan đến 79 lô đất đấu giá, Phó Chủ tịch TP.Từ Sơn có thể bị xử lý sao?

Quang Minh 24/03/2022 10:51 GMT+7
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Từ Sơn vì liên quan đến 79 lô đất đấu giá. Ở góc độ pháp lý, những người vi phạm có thể bị xử lý sao?

Liên tục xử lý nhiều cán bộ vi phạm về đất đai

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Trong những năm qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm về quản lý đất đai. Những hành vi vi phạm thường xảy ra là giao đất không đúng đối tượng, cho chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tính giá đất không đúng dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước, quản lý đất công không chẽ dẫn đến thất thoát; vi phạm trong đấu giá đất, trong đó chủ yếu là xác định không đúng giá khởi điểm, có sự thông đồng, cấu kết với nhau để giao đất cho những đối tượng thân hữu với giá rẻ, làm thất thoát tài sản Nhà nước...

Quá trình quản lý công sản, cổ phần hóa các văn nghiệp Nhà nước cũng xảy ra nhiều sai phạm, nhiều khu đất công đã bị hạ giá để giao cho các doanh nghiệp sân sau nhằm phục vụ lợi ích nhóm, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Bị bắt vì liên quan đến 79 lô đất đấu giá, Phó Chủ tịch TP.Từ Sơn có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Những lô đất ở vị trí đắc địa đã được bán đấu giá. Theo phản ánh của người dân, năm 2015 1 lô đất rộng 80 mét vuông có giá bán từ 800 triệu đồng. Ảnh: Khương Lực.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc nhiều cán bộ đã vi phạm quy định về quản lý đất đai như vi phạm về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Nếu những cán bộ thiếu trách nhiệm, không đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân họ có thể làm sai, vi phạm để được hưởng lợi. Khi thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất không chân chính luôn tìm cách tiếp cận với người có thẩm quyền để tác động, tiêu cực nhằm được sử dụng đất với giá rẻ. 

"Trong vụ việc nêu trên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.Từ Sơn bị khởi tố, xử lý về các hành vi vi phạm về đất đai, quản lý tài sản Nhà Nước là chuyện đã xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đây là những câu chuyện buồn về công tác cán bộ cũng như những lỗ hổng trong công tác quản lý kinh tế cần phải được khoả lấp", luật sư Cường nói.

Cán bộ vi phạm đất đai có thể bị phạt tù

Theo luật sư Cường, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Với tội danh này các bị can sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể lên tới 20 năm tù nếu thiệt hại được xác định từ 1.000.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định của pháp luật, việc quản lý đất đai được phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền. Theo đó ủy ban nhân dân cấp quận huyện, thị xã có thẩm quyền quản lý đất đai trên địa bàn và có quyền giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, trong quá trình thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất các bị can đã có những sai phạm dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Bị bắt vì liên quan đến 79 lô đất đấu giá, Phó Chủ tịch TP.Từ Sơn có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Bởi vậy trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm của từng việc, làm rõ chức trách nhiệm vụ của từng người tại thời điểm sự việc xảy ra và việc đã làm sai công vụ như thế nào dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Đồng thời cơ quan điều tra cũng sẽ xác định giá trị thiệt hại làm căn cứ để tòa án quyết định mức hình phạt phù hợp.

Nêu quan điểm về vụ việc, bạn đọc Ngọc Quang (ở TP.Từ Sơn, Bắc Ninh) cho rằng, những cám dỗ về vật chất đã khiến nhiều cán bộ suy thoái, sa ngã, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Thậm chí có một số trường hợp cán bộ yếu kém trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về pháp luật hạn chế, thêm vào đó là thiếu sự quản lý giám sát về có sự tác động tiêu cực dẫn đến hành vi làm sai trái và cho rằng như vậy là được quyền, được phép.

"Bởi vậy trong vụ việc này tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ từng tội danh, xử lý nghiêm đối với người vi phạm. Ngoài ra, để giảm thiểu những vi phạm trong quản lý sử dụng đất thì cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về đất đai để tăng cường công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đặc biệt là trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện và xử lý sai phạm; bổ sung bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ, ổn định nhằm quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội", bạn Ngọc Quang chia sẻ.

Trước đó, như Dân Việt thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến dự án đấu giá đất trên địa bàn phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn. Những sai phạm tại dự án này diễn ra tại thời điểm ông Nguyễn Thế Tuấn còn giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Từ Sơn (nay là TP. Từ Sơn).