Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra
Theo báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, xử lý nghiêm và kịp thời nhiều vụ việc vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản, kinh phí Nhà nước.
Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2021, toàn ngành thanh tra đã triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan lĩnh vực này.
Qua thanh tra, kiểm tra 64.671 đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777ha đất, trong đó, kiến nghị thu hồi 70.697 tỷ đồng, 111.894ha đất; kiến nghị xử lý khác 77.843 tỷ đồng, 31.883ha đất.
Ngành thanh tra cũng kiến nghị xử lý hành chính 11.999 tổ chức, 40.704 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 1.709 người; kiến nghị xử lý hình sự 50 người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Với Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2016-2021 cũng thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán, kết quả đã kiến nghị xử lý tài chính 431.435 tỷ đồng. Đồng thời, đã chỉ ra hàng loạt lỗ hổng cơ chế, chính sách với nhiều lĩnh vực được kiểm toán như đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản Nhà nước…
Giai đoạn này, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật và cung cấp 763 hồ sơ.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, giai đoạn 2016-2021, ngành thanh tra đã triển khai thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện vi phạm với con số rất lớn, qua đó cũng nhận diện các hành vi vi phạm.
Theo ông Minh, trong quản lý, sử dụng ngân sách có vi phạm như thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn chưa đúng quy định; chi sai chế độ, vượt chế độ, trùng lặp, không đúng mục đích, không đúng dự toán được giao…
Trong đầu tư xây dựng có vi phạm như không thực hiện đúng quy định, quy chế, quy trình đấu thầu, cũng như không có báo cáo đánh giá các dự án đầu tư hoặc thẩm định dự toán sai so với thiết kế… dẫn đến giao thầu, hợp đồng thi công, nghiệm thu, quyết toán sai.
Đề cập đến giải pháp, ông Minh cho rằng, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, cũng như trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong tham mưu, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Chúng tôi thấy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nói chung. Trong đó, chú trọng thanh tra vào những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí như mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản…", ông Minh nêu rõ.