Dân Việt

Trồng loài hoa nghe tên thấy "đau nhói", không phải để ngắm mà để ăn, tháng nào cũng bỏ túi vài chục triệu

Diệp Quỳnh 25/03/2022 13:00 GMT+7
Một vườn hoa kim châm vàng tươi rực nắng mang lại thu nhập đều đặn cho người nông dân. Loài hoa thường được trồng như cây cảnh đang là cây trồng chủ lực tại vườn một nông hộ vùng xa.

Trồng loài hoa kim châm, nghe tên thấy "đau nhói", không phải để ăn mà hái không kịp bán

Cây kim châm còn được biết tới với tên gọi cây hoa hiên, là loài cây thân thảo cao khoảng 40-50 cm, có hoa màu vàng rực khá đẹp. Bông kim châm còn được sử dụng trong nhiều món ăn như hoa kim châm xào thịt bò, kim châm ăn lẩu, làm thuốc…

Loài hoa nghe tên đã thấy "đau nhói" này thường được trồng như cây cảnh, song đang là cây trồng chủ lực tại vườn một nông hộ vùng xa ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng).

Trồng loài hoa nghe tên thấy "đau nhói", không phải để ngắm mà để ăn, tháng nào cũng bỏ túi vài chục triệu - Ảnh 1.

Anh Lê Vĩnh Phúc trong vườn kim châm

Vườn nhà anh Lê Vĩnh Phúc, thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà vốn là vườn cà phê lâu năm. Đánh giá cây cà phê già cho năng suất không cao, công chăm sóc, chi phí nặng, anh Lê Vĩnh Phúc đã đào bỏ gốc cà phê, cải tạo thành diện tích nhà lưới trồng rau thương phẩm. Đặc biệt, anh Phúc là một trong những nông hộ trồng hoa kim châm lớn trên địa bàn huyện Lâm Hà.

Cây kim châm còn được biết tới với tên gọi cây hoa hiên, là loài cây thân thảo cao khoảng 40-50 cm, có hoa màu vàng rực khá đẹp. Thông thường, cây kim châm được trồng ngoài trời hoặc trong chậu cảnh như một loài hoa tạo cảnh quan. Bông kim châm còn được sử dụng trong nhiều món ăn như hoa kim châm xào thịt bò, kim châm ăn lẩu, làm thuốc… 

Nhiều nơi, nông dân trồng kim châm để cung ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng và nhiều địa phương của Lâm Đồng, bà con cũng trồng kim châm với diện tích rải rác. Nắm được nhu cầu của thị trường, anh Lê Vĩnh Phúc đã cải tạo vườn cà phê, lên luống để trồng kim châm. 

Anh Phúc cho biết: “Cây kim châm có các tép như gốc sả, khi mua giống về tôi chia các tép nhỏ ra là trồng xuống. Đất được đánh luống rộng khoảng 70 cm, trồng hai hàng. Trước khi xuống giống, đất được làm kỹ, bón lót phân hữu cơ. Cây kim châm khá dễ sống, trồng xuống cây bén rễ khá nhanh và sau 3 tháng là bắt đầu cho hoa thu hoạch”.

Theo anh Phúc, anh trồng 5 sào kim châm, thuộc một trong những hộ có diện tích kim châm lớn. Kim châm được trồng trong nhà lưới giúp ngừa bớt côn trùng gây hại nhưng không hạn chế thông gió cũng như nước mưa tự nhiên. 

Chăm sóc hoa kim châm, cần độ ẩm vừa phải, vào mùa mưa không cần tưới nhưng mùa khô thì phải tưới 3 lần/tuần để cây đủ nước phát triển. Nếu thiếu nước, cây kim châm bị ngả, ít ra hoa. 

Anh Phúc xuống giống 5 sào kim châm vào tháng 3/2021 và tới tháng 6/2021, anh Phúc bắt đầu thu lứa hoa đầu tiên. Gọi là hoa kim châm nhưng thực sự khi thu hoạch chỉ chọn bông còn non, chưa nở, ở giai đoạn nụ chín, chưa bung cánh. 

Ở giai đoạn hoa non, bông kim châm có độ giòn, ngọt, bảo toàn được đầy đủ dinh dưỡng. Hoa được hái hàng ngày, tùy thời điểm mà năng suất đạt từ 5-15 kg/ngày, trung bình 10 kg/ngày. 

Anh Phúc chia sẻ: “Cây kim châm này rất đặc biệt là bông lớn từng ngày, rất đúng chu kì. Để bông non đạt độ đồng đều, khi thu hoạch phải đảm bảo trùng thời gian. Cụ thể như thu hoạch vào 8h sáng thì ngày nào cũng phải thu hoạch đúng giờ đó, bông mới lớn đều, được thị trường ưa chuộng. Nếu không chú ý, hái mỗi ngày một giờ khác nhau, bông sẽ lớn không đồng đều, chất lượng giảm”.

Hiện, anh Lê Vĩnh Phúc đang cung cấp bông kim châm cho hệ thống một số nhà hàng, siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Với giá từ 120 - 130 ngàn đồng/kg kim châm, anh có thể có thu nhập 25 - 30 triệu đồng/tháng. 

Đặc biệt, bông kim châm mức đầu tư không cao, phân bón không cần nhiều. Anh bón phân đều 10 ngày/lần với lượng rất ít. Nước được cung cấp qua hệ thống tưới phun, vừa cấp ẩm, vừa làm mát không khí. Chi phí đầu tư không cao mà cho thu nhập ổn định, bông kim châm đang được anh Lê Vĩnh Phúc coi là cây trồng chủ lực trong vườn nhà.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà đánh giá, hộ anh Lê Vĩnh Phúc là nông hộ rất năng động. Anh Phúc sẵn sàng chuyển đổi cây trồng, chọn trồng những loại nông sản ít chịu cạnh tranh tại địa phương. Vì vậy, bông kim châm của gia đình anh là mô hình cây trồng khá độc đáo tại xã Đan Phượng cũng như toàn huyện Lâm Hà. 

Đồng thời, anh Lê Vĩnh Phúc cũng đang tính tới chuyện mua máy móc để chế biến bông kim châm theo hướng cấp đông và sấy khô, tăng giá trị cho loại nông sản này.