Trưa ngày 25/3, trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin tháo dỡ nền đá, bậc thềm, chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi phía trước đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối, đơn vị đã giao Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội phối hợp cùng Phòng Văn hoá, Thể thao quận Bắc Từ Liêm kiểm tra.
Theo bà Lan Anh, đoàn kiểm tra có sự tham gia của Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội. Sau khi có nội dung thanh kiểm tra cụ thể, đơn vị sẽ cung cấp tới báo chí.
Như Dân Việt đưa tin, mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cây cổ thụ ở đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, bị chặt và một số hạng mục đang được tu sửa gây xôn xao dư luận.
Vì đây là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nên ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, không ít người đã vào bình luận và tiếc nuối khi cho rằng ngôi đình lâu năm dù được tu sửa nhưng cũng rất khó được phục hồi nguyên trạng. Nhiều người dân bình luận, tỏ ý bức xúc khi phần bậc thềm, nền đá lâu năm, cổ kính bị "đập đi xây lại". Bên cạnh đó, nhiều người cũng cảm thấy khó hiểu khi cây đa cao lớn, nhiều năm tuổi cạnh đình bị chặt hạ.
Ông Nguyễn Mạnh Thìn, trưởng ban khánh tiết đình Chèm xác nhận, ngôi đình đang trong quá trình chỉnh trang, tu sửa. Theo ông Thìn, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa, bao gồm: Chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh xung quanh đình, hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia, vốn có 5 bậc, chỉnh sửa phần ngói.
Theo ông Thìn, kinh phí trùng tu dự kiến khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng hơn 1 tỷ đồng, còn lại của quận và thành phố. Dự kiến việc trùng tu, chỉnh sửa sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây. Ông Thìn cũng cho hay, việc sửa chữa, trùng tu này đã được Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chấp thuận.
Đình Chèm là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất, nhì Việt Nam với niên đại khoảng 2.000 năm. Trong đình lưu giữ được nhiều hình chạm khắc gỗ phong cách thế kỷ 18, có hai pho tượng vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng tạc năm 1888. Hàng ngàn năm nay, đình Chèm vẫn ngự sát bên bờ sông Hồng nặng phù sa.
Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội Chèm là lễ hội lớn trong vùng, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch, trong đó, ngày 15 là ngày hội chính.
Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.
Trước đó, ngày 25/6/2018, đình Chèm được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ.
PV Dân Việt tiếp tục thông tin về vấn đề này!