Chiều 25/3, ngay sau khi tiếp nhận thông tin tháo dỡ nền đá, bậc thềm, chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi phía trước đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội cùng Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội, đại diện Phòng Văn hoá, Thể thao quận Bắc Từ Liêm đã trực tiếp đến kiểm tra.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra công nhân vẫn tiếp tục thi công tại công trình. Cũng tại đây, nhiều người cao niên sống tại làng Chèm đã ra đây theo dõi. Không ít người bàn tán về việc tu sửa các hạng mục tại đình Chèm.
Nhà cách đình Chèm khoảng 300m, nhà văn Nguyễn Hiếu (75 tuổi) cho hay, khi nghe thông tin nhiều người nhắn tin về việc chặt cây đa, thay bậc thềm… tại đình, ông đã ra theo dõi. Là người con gốc làng Chèm, nhà văn Nguyễn Hiếu cảm thấy tiếc nuối khi di tích bị cải tạo "quá mạnh mẽ".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hiếu cho biết, tuổi thơ của ông cùng người dân trong làng đã gắn liền với đình Chèm. "Cuộc đời tôi may mắn được đi nhiều nơi trên khắp đất nước cũng như nước ngoài nhưng có lẽ đình Chèm trong ký ức tôi là đẹp nhất, cổ nhất Việt Nam. Tôi từng mang sách vở cùng bạn bè ra đây học tập, đùa nghịch", nhà văn Nguyễn Hiếu kể.
Nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ, ông đã viết 3 cuốn tiểu thuyết riêng về đình Chèm gồm: "Dòng sông mầu máu", "Người đàn bà quỷ ám", "Chuyện tình người điên". Ngoài ra trong số 30 cuốn tiểu thuyết do ông viết thì hơn 20 cuốn có gắn liền với đình Chèm bởi đây là một trong những đình đẹp nhất, ký ức lớn lớn nhất của một tâm hồn, của một con người vừa là dân làng Chèm, vừa là nhà văn như ông.
Ông Hiếu kể, từng nghe cha mẹ và dân làng kể những câu chuyện gắn liền với đình Chèm. Đình nằm sát cạnh sông Hồng, năm 1902 đình được kiệu lên cao thêm 2,4m chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như đinh bừa, quang gánh cùng sức lực của dân làng ôm cột nâng lên. Công việc diễn ra trong vòng một năm trời và kết quả cực kỳ mỹ mãn.
Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp được kiệu lên cao ngang với mặt đê sông Hồng. Cuộc kiệu đình này tốn hết 500 đồng tiền Đông Dương mà công xá ngày ấy chỉ có 7 xu một ngày. Hiệp thợ kiệu đình do ông Vương Văn Địch ở làng Văn Trì chủ trì.
"Đình Chèm đến nay đã 2.000 năm, theo tôi việc trùng tu là đúng và hợp lý. Cây đa có khả năng nghiêng về phía đình là chính xác bởi cây rễ chùm lại sát đường nước, về tương lai nên bỏ đi nhưng việc chặt bỏ sẽ có người bức xúc bởi hàng chục năm đã gắn liền với cách nhìn trong ca dao 'cây đa, bến nước, sân đình'.
Tự nhiên giờ cây đa bị chặt đi tạo nên trống trải. Theo tôi cách làm tốt nhất đó là trước khi cưa chặt bỏ ban quản lý nên hỏi ý kiến người dân để những người từng mến mộ đình Chèm họ biết rằng có việc sửa đổi như vậy", ông Hiếu chia sẻ.
Ngoài ra, việc đào xới, tháo dỡ nền đá, bậc thềm tại đình Chèm ông Hiếu cho rằng "hơi mạnh tay".
"Đình Chèm được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ do vậy theo tôi nên trùng tu chính xác như hiện trạng cũ.
Trùng tu với di tích lịch sử không thể đào bới một cách quá mạnh mẽ thế này, cần phải gỡ từng đoạn một, làm từng chi tiết nhưng hiện trạng trước đình bị đào xới nhiều quá. Theo tôi, đáng ra nên làm thận trọng hơn nữa sẽ tốt hơn", ông Hiếu nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về việc tại di tích đình Chèm đang diễn ra quá trình tu sửa, Cục Di sản đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế di tích, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong ngày 25/3.