Vài ngày qua, việc chặt hạ cây đa tại di tích quốc gia đặc biệt hơn 2.000 năm tuổi đình Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhận được sự quan tâm của dư luận. Để kiểm tra, xác minh sự việc, ngay chiều ngày 25/3, thanh tra Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội, Phòng VH&TT quận Bắc Từ Liêm tiến hành thanh tra công trình tu sửa cấp thiết đang diễn ra tại di tích.
Nhiều người cho rằng việc tu sửa là đang phá hoại di tích vì với người Việt, cây đa là biểu tượng linh thiêng và gần gũi với đình làng. Vậy tại sao bỗng dưng cây đa cổ thụ tại đình Chèm lại bị chặt hạ?
Theo các đại diện Ban Khánh tiết đình Chèm, đây là giống cây đa đỏ mới được trồng từ năm 1998 để tạo bóng mát, chứ không phải cây cổ thụ hay cây di sản. Năm 2021, trong mùa mưa bão cây đa đã gãy 1/3 về phía về phía bốn cột đồng trụ và làm gãy một phần của một trong bốn cột đồng trụ.
Cây đa có hiện tượng nghiêng 25 độ về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão.
Do tâm lý lo sợ mùa mưa bão tới gần, cây sẽ gây nguy hiểm cho người dân và di tích, ngày 10/3 Ban Khánh tiết cùng các cụ cao niên, bô lão và đại diện nhân dân vẫn họp, quyết định chặt hạ cây đa. Nên ngày 18/3, cây đa trước cổng nghi môn đình Chèm bị chặt hạ.
Trước đó, Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhiều lần có công văn đề nghị các cấp chính quyền cho phép chặt hạ cây đa, lãnh đạo UBND phường Thụy Phương đã ghi nhận, và hứa sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, UBND phường cũng đề nghị trong khi chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền quyết định đề nghị Ban Khánh tiết đình Chèm giữ nguyên trạng cây đa trước nghi môn, không tự ý chặt hạ cây. Nhưng sự việc rất đáng tiếc vẫn xảy ra.
Ngày 25/3, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, sau khi nắm được thông tin đã chỉ đạo UBND phường Thụy Phương cùng Phòng VH&TT và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, xác nhận.
Sau khi kiểm tra, các đơn vị đánh giá hành động chặt hạ cây đa của Ban Khánh tiết đình Chèm là không đúng quy định, việc làm này chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.
Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Ban Khánh tiết cũng đề xuất trong 10 năm tới sẽ trồng bổ sung các cây phù hợp với di tích (không trồng các loại cây ngoại lai).
Chiều ngày 25/3, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra văn bản chỉ đạo đề nghị các ngành thuộc quận và UBND phường Thụy Phương tổ chức triển khai, rà soát toàn bộ sự việc, lập hồ sơ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo về UBND quận để tổng hợp báo cáo các cơ quan chức năng và UBND TP.
Hiện nay, tại di tích quốc gia đình Chèm cũng đang tiến hành tu sửa cấp thiết một số hạng mục. Chiều 25/3, tại đình Chèm, đoàn công tác của Sở VH&TT Hà Nội gồm Thanh tra, Ban Quản lý di tích Danh thắng, Phòng VH&TT quận Bắc Từ Liêm đã có buổi làm việc với đại diện Ban Khánh tiết, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công không chỉ về vấn đề chặt hạ cây đa gây ồn ào trên dư luận vừa qua, mà cả các vấn đề trong công tác tu sửa lần này.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng Ban Khánh tiết đình Chèm xác nhận, ngôi đình đang trong quá trình chỉnh trang, tu sửa. Theo ông Thìn, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa, bao gồm: Chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh xung quanh đình, hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia, vốn có 5 bậc, chỉnh sửa phần ngói.
Theo ông Thìn, kinh phí trùng tu dự kiến khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng hơn 1 tỷ đồng, còn lại của quận và thành phố. Dự kiến việc trùng tu, chỉnh sửa sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây. Ông Thìn cũng cho hay, việc sửa chữa, trùng tu này đã được Sở VH&TT Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chấp thuận.
Trong quá trình tu sửa, một cây đa đỏ có tuổi đời vài chục năm bị chặt hạ khiến nhiều người dân tiếc nuối và bày tỏ bức xúc. Về việc này, ông Thìn cho rằng, khi lập kế hoạch tu sửa cũng đã lấy ý kiến của các cụ trong phường, do cây đa ở trước cổng không phải là cây đa cổ thụ mà đây là cây đa đỏ.
"Cây đa này phát triển rất tốt, nhưng 'không đạt phong thuỷ', nó án ngữ trước cửa đình. Bên cạnh đó, lối thoát nước của nhà đình ra sông Hồng đi qua gốc cây đa, hàng năm cây bị nghiêng từ 5 đến 10cm, do đó chúng tôi đề nghị cắt bỏ. Ngoài ra chúng tôi còn có một số hạng mục cắt tỉa cành cây để phòng chống bão lụt. Tuy nhiên vừa rồi tôi bị Covid-19 nên các cháu cắt tỉa hơi nặng tay", ông Thìn chia sẻ.