Đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn từ các nước phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine, Nga đang cân nhắc việc chấp nhận bitcoin để thanh toán cho hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của mình. Trong một cuộc họp báo được ghi hình tổ chức vào ngày 24/3, Chủ tịch Ủy ban Duma Nga về năng lượng cho biết trong một nhận xét rằng, khi nói đến các quốc gia "thân thiện" như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng muốn sẵn sàng linh hoạt hơn với các lựa chọn thanh toán.
Chủ tịch Pavel Zavalny nói rằng, tiền số bitcoin đang được coi là cách thay thế để thanh toán cho xuất khẩu năng lượng của Nga. "Chúng tôi đã đề xuất với Trung Quốc trong một thời gian dài để chuyển sang các giao dịch bằng đồng tiền quốc gia với đồng rúp Nga (RUB) và nhân dân tệ, với Thổ Nhĩ Kỳ, đó sẽ là đồng lira và rúp". Nhưng ông ấy không dừng lại với các loại tiền tệ truyền thống. "Bạn cũng có thể giao dịch bằng bitcoin", Chủ tịch Pavel Zavalny nói thêm. Và sau khi phát ngôn này của Chủ tịch Pavel Zavalny xuất hiện, giá của tiền điện tử bitcoin đã tăng gần 4% trong 24 giờ sau đó lên khoảng 44.000 đô la/ đồng.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm giảm việc sử dụng đồng euro và đô la và thay thế nó bằng đồng rúp và tiền tệ quốc gia của các quốc gia đồng minh như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của quan chức Duma Quốc gia có thể làm dấy lên những chỉ trích, những người nói rằng các thực thể và cá nhân Nga có thể sử dụng tiền điện tử để trốn tránh các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã áp đặt một đợt trừng phạt khác đối với những người Nga nổi tiếng, xử phạt hàng trăm thành viên của Duma Quốc gia Nga cũng như chính các cơ quan quốc hội Nga.
Zalvany cũng đề xuất rằng, các nước phương Tây vẫn nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga sẽ phải trả bằng rúp Nga hoặc vàng. Điều này cũng bao gồm các nước châu Âu không liên minh với Nga. Zalvany còn nói rằng, tất cả các hợp đồng mà họ có vẫn sẽ được thực hiện và không có gì thay đổi về nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, nếu họ không thanh toán bằng đồng tiền được chấp nhận, thì Nga sẽ không cung cấp dầu.
"Khí đốt chỉ là bước khởi đầu, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên khác. Nếu họ muốn mua, hãy để họ trả bằng tiền rúp, đối với chúng tôi đó là vàng, hoặc bằng các loại tiền thuận tiện cho chúng tôi, đó là tiền tệ quốc gia", Zalvany nói. Nhưng ý kiến của Zalvany mới chỉ là một đề xuất và không phải là một hành động được xác nhận. Thông báo này khiến giá khí đốt ở châu Âu leo thang khi người mua trên khắp thế giới từ chối tiêu thụ dầu của Nga như một cách để trừng phạt đất nước này.
Tương tự vào gần đây, thị trường khi đốt càng náo động khi lời hứa của Tổng thống Vladimir Putin hôm 23/3 yêu cầu các nước "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga. Tuyên bố của ông Putin khiến giá khí đốt châu Âu tăng vọt do lo ngại động thái này có thể làm trầm trọng thêm thị trường năng lượng vốn đang chịu nhiều áp lực sau cuộc chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ.
Hiện tại, mặc dù Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga như một phần trong phản ứng đối với cuộc chiến của Moscow đối với Ukraine, nhưng các nguồn tin nói từ trang CNBC cho rằng, Liên minh châu Âu không chắc sẽ làm theo, do nước này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, một phần để sưởi ấm các ngôi nhà trong mùa đông.
Nic Carter, đồng sáng lập Coin Metrics cho biết: "Rõ ràng Nga đang tìm cách đa dạng hóa sang các loại tiền tệ khác". Ông nói với CNBC rằng Nga đã chuẩn bị cho sự chuyển đổi như vậy kể từ năm 2014, khi nước này bắt đầu thoái vốn từ tất cả các kho bạc của Mỹ".
Carter, người cũng là đối tác sáng lập của Castle Island Ventures, một công ty tập trung vào tiền điện tử cho biết: "Nước Nga chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc tài sản ngoại hối nước ngoài bị đóng băng. Hiện tại, Nga tỏ ra nghiêm túc trong việc rời bỏ đồng đô la của Mỹ".
"Họ có thứ mà thế giới cần", Carter nói. "Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên số 1 trên toàn cầu". Vì thế, Nga có thể chuyển đổi năng lượng dự trữ thành tài sản cứng có thể được sử dụng bên ngoài hệ thống đồng đô la.
Putin đã thay đổi quan điểm của mình đối với bitcoin. Vào năm 2021, nhà lãnh đạo Nga nói với Hadley Gamble củad đài CNBC rằng, mặc dù ông tin rằng bitcoin có giá trị, nhưng ông không tin rằng nó có thể thay thế đồng đô la Mỹ trong việc giải quyết các giao dịch dầu mỏ. Giờ đây, Điện Kremlin đang xem xét nó như một hình thức thanh toán cho các mặt hàng xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu đặc tính thiếu thanh khoản tương đối của đồng bitcoin có thể hỗ trợ các giao dịch thương mại quốc tế ở mức độ xuất khẩu lớn hay không.
Được biết, năng lượng là nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga. Theo Reuters, vào năm 2021, thương mại dầu khí đã mang lại doanh thu 119 tỷ USD cho đất nước. Nhưng Nga đang tìm kiếm một cơ chế hệ thống thanh toán khác thay thế kể từ khi nước này bị chặn sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu. Cũng gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde nhấn mạnh rằng, khu vực tư nhân Nga đang sử dụng tiền điện tử để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.