Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Dự án tổ hợp tàu hỏa chiến đấu (BZhRK) Barguzin sẽ bị ngừng tới sau năm 2027 để tập trung ngân sách cho các chương trình quốc phòng khác. Giới chuyên gia quân sự nhận định nguyên nhân chính khiến dự án Barguzin bị ngừng là do chi phí quá cao để biên chế và vận hành hệ thống này, cũng như nguy cơ bị tấn công tương đối cao trong chiến tranh.
Barguzin được thiết kế để vận hành trên mạng lưới đường sắt rộng lớn của Nga và được ngụy trang giống tàu hỏa thông thường, gây rất nhiều khó khăn cho khí tài do thám và trinh sát. Việc định vị chính xác tọa độ phóng tên lửa của đoàn tàu này là bất khả thi, do vậy chúng được gọi là "đoàn tàu ma" hoặc "đoàn tàu tử thần".
Mỗi đoàn tàu được trang bị 6 quả đạn RS-24 Yars, mỗi tên lửa mang được 6 đầu đạn nhiệt hạch với tổng sức mạnh tương đương 1,8 triệu tấn thuốc nổ TNT. Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 2 cho biết tổ hợp Barguzin dự kiến thử nghiệm trong năm 2019 và biên chế sau đó một năm.
Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho rằng tổ hợp Barguzin có rất nhiều tiềm năng, nhưng chúng cần mạng lưới kho lưu trữ và bảo dưỡng theo các hiệp ước quốc tế trong thời bình, đồng thời đòi hỏi lực lượng bảo vệ hùng hậu trong chiến tranh. Do chúng dựa vào các đường ray xe lửa để di chuyển, tình báo Mỹ có thể phán đoán được vị trí của Barguzin khi nổ ra xung đột. Điều này sẽ vô hiệu hóa ưu thế khó bị phát hiện của BZhRK trong chiến tranh.
Ngoài ra, khả năng cơ động khỏi căn cứ chỉ vài phút trước khi ICBM đối phương tấn công cũng là nghi vấn lớn với Barguzin. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc từng đóng hai mẫu tàu hỏa mang ICBM LGM-118 Peacekeeper để nghiên cứu, nhưng nhận thấy chúng quá đắt đỏ, không mang lại hiệu quả và dễ bị tấn công. Đến nay, dự án này chưa hoàn toàn bị hủy bỏ và được giữ bí mật.
Những lý do này khiến Moscow không quyết định đầu tư cho dự án Barguzin, nhất là trong tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng. Nga sẽ không phải trích thêm một số tiền lớn từ khoản chi 321 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2027, giúp đẩy nhanh các dự án đang bị đình trệ và hoàn thiện những vũ khí thuộc diện ưu tiên cao nhất.
Quyết định này cũng không ảnh hưởng đến khả năng răn đe hạt nhân, bởi Nga vẫn có hơn 1.900 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đủ sức đáp trả mọi cuộc tấn công tiềm tàng, chuyên gia Beckhusen nhận định.