Dân Việt

Nghe người họa sĩ kể chuyện 30 năm "xé quần jeans"

Chinh Hoàng 27/03/2022 18:43 GMT+7
Nghề họa sỹ trước năm 1997 ở Sài Gòn không đủ nuôi sống mình và vợ con, ông Trương Tấn Viễn quyết định chuyển sang nghề “xé quần jeans”. Đến hiện tại, thâm niên trong nghề “xé quần” được 30 năm, ông Viễn giờ chỉ làm vì đam mê mong muốn có truyền nhân để nối nghề.

Trước khi bén duyên với nghề "xé quần jeans" ông Trương Tấn Viễn (58 tuổi) từng là họa sĩ. Song nghề họa sĩ không nuôi được ông cùng vợ con nên ông quyết định đổi sang nghề "xe quần" vào đầu năm 1997.

Những đường xé trên chiếc quần jeans được ông Viễn tạo ra trên đôi bàn tay khéo léo nhờ áp dụng những kỹ năng hội họa, được giới trẻ thích thú. Đặc biệt, ở những 1997, 1998 các nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Lâm Hùng, Châu Gia Kiệt, nhóm Mây Trắng, Gbeo… đã từng đặt hàng ở ông Viễn.

Cơ duyên đến với nghề mang phong thái nghệ sĩ

Vì là họa sĩ nên ông Viễn phần nào cũng đam mê âm nhạc. Trong một lần xem chương trình nhạc rock của nước ngoài, ông thấy band nhạc biểu diễn toàn bận quần rách có những đường xé nhìn lạ mắt. Vậy nên, trong đầu ông lóe lên ý tưởng thử mua quần jeans về xé và treo bán, kết quả cuối cùng nghề này đã theo ông được 30 năm.

Nghe người họa sĩ kể chuyện 30 năm "xé quần jean" - Ảnh 1.

Ông Trương Tấn Viễn dùng dao rọc giấy để xé quần jeans mang phong cách độc lạ. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo ông Viễn, khi mới mở kinh doanh bán quần jeas xé, khách hàng của ông không được nhiều vì hồi đó chưa có trào lưu và người ta ngại bận quần rách. Khách của ông về trước chủ yếu là những người có cá tính mạnh như giới ca nghệ sĩ.

Nghe người họa sĩ kể chuyện 30 năm "xé quần jean" - Ảnh 2.

Trên góc nhỏ lề đường Hồ Xuân Hương, quận 3, ông Viễn treo những sản phẩm do chính tay ông xé để bán. Ảnh: Chinh Hoàng

Khi các công ty may mặc ở Sài Gòn đẩy mạnh công nghệ dùng máy để xé quần, lúc này khách hàng gồm giới trẻ, trung niên biết đến ông Viễn nhiều hơn. Họ tìm đến để nhờ ông thiết kế riêng cho mình các kiểu xé khác nhau hoặc có những khách hàng mang những chiếc quần đã cũ tìm ông với mục đích "làm mới" để kịp theo trào lưu…

"Nhiều người họ không thích kiểu xé quần công nghiệp, họ thích kiểu riêng và độc đáo được xé bằng tay. Chính vì thế, họ tìm đến tôi để đặt hàng. Tôi thấy hạnh phúc khi khách hàng mặc sản phẩm tự mình làm", ông Viễn bộc bạch.

Thu nhập với nghề "xé quần" của ông Viễn bình quân 1 tháng 8-9 triệu. Thời điểm hiện tại, ông Viễn cho rằng, tuổi mình đã lớn, con cái đã lớn có việc làm ổn định, giờ ông chỉ làm vì đam mê.

Mong muốn có truyền nhân

Ông Viễn nhớ lại, ban đầu ông không dám nghĩ công việc "xé quần" là cái nghề, ai hỏi ông làm gì ông cũng ngại nói. 

"Trải qua nhiều năm, khi lượng khách hàng ổn định, nhiều người biết đến tôi và hiểu hơn về công việc tôi đang làm, có người còn nói tôi làm nghề độc lạ nhất Sài Gòn, tôi thấy vui trong lòng", ông Viễn cười hồn hậu.

Nghe người họa sĩ kể chuyện 30 năm "xé quần jean" - Ảnh 4.

Ông Viễn mong muốn có truyền nhân để nối nghề được cho là độc lạ ở Sài Gòn này. Ảnh: Chinh Hoàng

Trăn trở với nghề "xé quần" của mình, ông Viễn trải lòng, nghề này chỉ thật sự dành cho những người có đam mê tìm tòi những nét độc lạ, ông mong sẽ có người đam mê như mình. 

Ông nói, nếu ai muốn học nghề ông sẵn sàng dạy hết những kỹ thuật ông biết được. "Trước kia có anh người Tây đến đây xin học nghề 1 ngày rồi mất hút, đến nay, không có ai hỏi thêm về vấn đề học nghề", ông Viễn cười.

Nghe người họa sĩ kể chuyện 30 năm "xé quần jean" - Ảnh 5.

Kể về cơ duyên đến với nghề "xé quần jeans" ,ông Viễn nói: "Trong một lần xem chương trình nhạc rock nước ngoài, thấy những nghệ sĩ biểu diễn toàn bận quần rách, ông nảy lên ý tưởng sẽ làm nghề này". Ảnh: Chinh Hoàng

Về những vui buồn chuyện nghề "xé quần", ông Viễn chia sẻ thêm: Làm nghề này lâu cũng không tránh được sai sót, có khách họ mang tới chiếc quần vài triệu, ban đầu ông không dám nhận, lỡ hư quần sợ người ta đền. Thế nhưng, không nhận thì mất khách, không có mối lâu dài, ông bèn đánh liều nhận làm rồi hỏi ý kiến khách thật kỹ mới dám bắt tay vào làm.

Kỹ hơn, ông Viễn còn lấy phấn may đánh dấu cho chuẩn phần khách yêu cầu xé rồi chụp hình lại, để lỡ khách nói gì đó thì ông có bằng chứng trao đổi.

"Chuyện nghề nhiều điều vui buồn không kể hết được, với tôi, vui khi khách bày tỏ ưng ý mặc sản phẩm của chính tay tôi tự làm ra, và theo tôi đó là thành công", ông Viễn tâm sự.