Tỷ phú Elon Musk- cũng là CEO Tesla đã giành lại danh hiệu người giàu nhất thế giới vào cuối năm 2021, khi vượt qua tỷ phú Jeff Bezos của Amazon. Về lý thuyết, Elon Musk có thể là người giàu nhất thế giới, nhưng anh ấy không ảo tưởng rằng mình thực sự nắm giữ danh hiệu này.
"Anh cảm thấy thế nào khi với giá trị tài sản ròng khoảng 260 tỷ đô la (tính đến ngày 26/3), anh được coi là người giàu nhất trên trái đất?", Mathias Döpfner, CEO của công ty mẹ của tạp chí Insider, Axel Springer đã hỏi Musk trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
"Tôi nghĩ rằng Putin giàu hơn tôi đáng kể", Musk trả lời.
Hiện tại, khối tài sản khổng lồ của Tổng thống Nga Putin vẫn là một bí ẩn ở chỗ không ai biết chính xác nó có bao nhiêu hay được cất giữ ở đâu. Putin có liên quan đến cung điện 1,4 tỷ USD trên Biển Đen. Bất động sản ven biển này được coi là dinh thự tư nhân lớn nhất trong cả nước và là cung điện riêng của ông, được gọi thân mật là "Ngôi nhà nông thôn của Putin". Điện Kremlin phủ nhận quyền sở hữu của Putin đối với cung điện, nói rằng nó thuộc về một doanh nhân giàu có khác. Vị tổng thống này cũng sở hữu căn hộ 4 triệu USD ở Monaco.
Điện Kremlin chỉ tuyên bố công khai rằng Putin kiếm được mức lương hàng năm là 140.000 USD. Tài sản được tiết lộ công khai của ông bao gồm một căn hộ rộng 800m2, một chiếc xe đầu kéo và ba chiếc ô tô.
Nhưng các nguồn tin khác cho hay, Tổng thống Nga Putin cũng sở hữu 19 ngôi nhà khác và 700 xe hơi, ngoài 58 máy bay và trực thăng, trong đó có chiếc máy bay trị giá 716 triệu USD có tên "Điện Kremlin bay" có nhà vệ sinh làm bằng vàng. Ngoài ra, ông còn sở hữu một siêu du thuyền trị giá 100 triệu đô la được thiết kế bởi một nhà sản xuất tàu ngầm hạt nhân của hải quân Nga.
Trên hết, Hồ sơ Panama nổi tiếng đã tiết lộ một mạng lưới các giao dịch và khoản vay bí mật ra nước ngoài trị giá 2 tỷ USD chỉ cho Putin vào năm 2016.
Vì thế, theo một số chuyên gia, Tổng thống Nga Putin có thể là người đàn ông giàu nhất thế giới. Một số người đã suy đoán Tổng thống Nga có thể là người giàu nhất thế giới, với nhà tài chính Bill Browder vào năm 2017 đã làm chứng rằng, Tổng thống Putin "đã tích lũy được 200 tỷ USD lợi nhuận bí ẩn".
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã nhanh chóng áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng. Những biện pháp này, được thiết kế để cô lập Nga và làm tê liệt nền kinh tế của nước này, đã có tác động lớn đến cả người Nga bình thường và giới thượng lưu có tiền, các đồng minh hàng đầu của Putin và cả chính Tổng thống Nga. Điều này khiến: đồng rúp mất giá, tài sản bị đóng băng và lệnh cấm đi lại được áp dụng. Nhưng các biện pháp trừng phạt không có gì mới - trên thực tế, chúng là một công cụ ngoại giao lâu đời có thể cố gắng kiềm chế hành vi của một quốc gia và tránh chiến tranh tổng lực.
Trong khi đó, một số người Nga giàu có, nổi tiếng lại phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt là "vô căn cứ và không công bằng. Gần đây, Pháp cho biết họ đã bắt giữ một con tàu trị giá 120 triệu USD thuộc sở hữu của Igor Sechin, Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft.
Hiện tại, có hơn 10 triệu người Ukraine đã phải di dời khỏi chỗ ở của họ bởi cuộc xâm lược của Nga kể từ khi họ bắt đầu một tháng trước. Hơn 3,7 triệu người Ukraine đã chạy sang các nước khác, theo Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc.
Musk cho biết rất "ngạc nhiên" khi thấy một cuộc chiến như vậy diễn ra "trong thời đại ngày nay". Trong cuộc thảo luận của Musk với Döpfner về cuộc xâm lược của Putin, CEO Tesla cho biết bắt buộc phải ngăn chặn Putin trong cuộc chiến sự này. "Tôi nghĩ chính phủ Mỹ đã làm nhiều hơn những gì mọi người có thể nhận ra. Nhưng nó không được công khai cho lắm. Nhưng điều quan trọng là phải làm một điều gì đó nghiêm túc. Chúng ta không thể để Putin tiếp quản Ukraine. Điều này thật điên rồ", Musk nói.
Musk cũng đã công khai ủng hộ Ukraine trong bối cảnh chiến tranh. Đầu tháng này, tỷ phú đã gửi hệ thống Starlink ở Ukraine, một hệ thống internet vệ tinh do SpaceX vận hành dùng để liên lạc. Các dịch vụ Starlink cung cấp quyền truy cập vào các kết nối internet băng thông rộng trên toàn thế giới. Hiện vệ tinh Starlink cung cấp phạm vi phủ sóng internet có độ trễ thấp ở các vùng sâu vùng xa của một số quốc gia, và hệ thống này đang rất hữu ích cho tình hình Ukraine ở hiện tại.
Tổng thống Biden tuần trước đã thông báo viện trợ quân sự 800 triệu USD nữa cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ an ninh Mỹ cam kết dành cho nước này lên 1 tỷ USD trong một tuần. Ông cho biết gói này bao gồm "các hệ thống tiên tiến nhất của chúng tôi", bao gồm 20 triệu viên đạn, 800 hệ thống phòng không, 9.000 hệ thống chống thiết giáp và 7.000 vũ khí nhỏ như súng máy, súng phóng lựu, súng lục và súng ngắn.
Ông Biden cũng cảnh báo Nga rằng Mỹ và NATO "sẽ đáp trả" nếu ông Putin sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Mỹ cáo buộc Nga thực hiện "các cuộc tấn công bừa bãi" vào dân thường và "các hành động tàn bạo khác" ở Ukraine. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố: "Dựa trên thông tin hiện có, chính phủ Hoa Kỳ đánh giá rằng các thành viên lực lượng của Nga đang phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Trong lần lên án mạnh mẽ nhất đối với Putin, ông Biden đã gọi Tổng thống Nga là tội phạm chiến tranh.