Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên các sản phẩm cà phê nhãn hiệu Meet More) cho biết, từ khi TP.HCM mở cửa vào đầu tháng 10 năm ngoái đến Tết nguyên đán, giá nguyên vật liệu đã tăng 30%.
Tính từ Tết đến nay, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%.
"Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu và chi phí vận chuyển tăng buộc họ phải tăng giá bán", ông Luận thông tin.
Theo ông Luận, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp của ông đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra.
"Điều chỉnh giá bán như thế nào để các kênh phân phối đồng ý, người tiêu dùng chấp nhận trong bối cảnh sức mua yếu hiện nay thực sự không đơn giản. Đó là chưa bàn đến thị trường xuất khẩu. Các hợp đồng đã ký không phải muốn là có thể thay đổi giá ngay", ông Luận chia sẻ.
Ông Lê Bá Linh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Pacific Foods cũng cho biết, cước vận tải chiếm tới 40% trong cấu thành giá vận tải, do vậy, khi giá xăng tăng mạnh hơn 10% chỉ trong vòng 2 tháng thôi cũng đã khiến nhiều DN gặp khó khăn.
Theo ông Linh, giá xăng dầu tăng phi mã như vậy đang khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với áp lực tăng giá thành của sản phẩm, dịch vụ, cùng với đó là nỗi lo mất khách hoặc chịu thua lỗ.
Chưa kể, giá xăng dầu tăng cao cũng gây áp lực trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác như logistics, mà doanh nghiệp như Pacific Foods cũng không tránh khỏi hệ lụy này.
"Các nguyên liệu, vật tư, thành phẩm… của Pacific Foods từ đầu vào đến đầu ra, nhất nhất phải chịu sức ép của chi phí vận chuyển. Chúng tôi liên tục phải cập nhật tình hình, bởi tính đến nay, sau 4 lần tăng giá xăng, chi phí cho vận tải đã tăng lên khoảng 15-20%, đây là con số không nhỏ cho một đơn hàng vận tải lên tới hàng trăm triệu đồng", ông Linh lo lắng.
Ông Vũ Hồng Phong - Phó Giám đốc Công ty Taxi tải XL Saigon, cũng lo lắng không kém, bởi là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hai năm dịch bệnh vừa qua đã là một thử thách lớn chưa từng gặp, đơn vị đã làm mọi việc có thể để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo đời sống cho nhân sự công ty.
"Mọi kế hoạch mới cho sự phục hồi vừa bắt đầu thì cuộc chiến giữa Nga và Ukraina lại nổ ra, từ đó giá xăng dầu tăng, chi phí danh nghiệp tăng dẫn đến làm nhưng không có lời. Chỉ hy vọng nhà nước sẽ can thiệp giảm những khoản thuế từ xăng dầu", ông Phong chia sẻ.
Trên thực tế, trước bối cảnh giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào tăng cao, một số doanh nghiệp cho biết không thể tiếp tục "gồng mình" giữ giá và đang tính toán việc tăng giá sản phẩm. Thế nhưng, làm thế nào để hài hòa bài toán lợi ích thì rất không dễ.
Ông Lê Bá Linh cho hay, trước Tết Nguyên đán, đã có 1 đợt giá cả biến động khi giá xăng tăng, hầu hết các khách hàng đã thông cảm. Nhưng đến nay, giá xăng tiếp tục tăng mạnh khiến doanh nghiệp rất khó xử với khách hàng.
Như Pacific Foods, để hạn chế tác động từ giá xăng, công ty đã có trù liệu trước và áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng nhiều công nghệ đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí.
"Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ kinh doanh", ông Linh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận cho hay, khả năng giữ giá bán của công ty ông không còn và thương hiệu Meet More sẽ có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán vào tháng 5 tới với mức tăng khoảng 30% so với giá bán hiện nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM furniture (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhận định, chi phí đầu vào tăng cao sẽ làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngắn hạn bị bào mòn.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp nếu không đàm phán thướng lượng với đối tác để thay đổi giá đầu ra hoặc các sản phẩm đầu ra có giá cao không được thị trường chấp nhận sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất để duy trì.
"Để các doanh nghiệp trụ vững với các biến động thị trường nguyên liệu đầu vào trong đó có xăng dầu, một mặt các doanh nghiệp cần có đối tác tốt sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn, một mặt các doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, tăng giá trị sản phẩm để có biên lợi nhuận đủ lớn đảm bảo doanh nghiệp có lời ngay cả trong khủng hoảng giá nguyên liệu tăng cao", ông Tuấn nói thêm.
Được biết, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/4 tới đây, theo dự báo của một số chuyên gia, giá xăng có thể sẽ tăng theo xu hướng tăng giá hiện nay trên thế giới.
Nếu giá xăng được điều chỉnh theo mức tăng này, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện đang cố gắng giữ giá hiện nay sẽ không thể chịu đựng được nữa và buộc phải tăng giá bán sản phẩm nhanh hơn kế hoạch.