U23 Việt Nam sẽ đối đầu với U23 Uzbekistan tại Dubai Cup 2022 ở lượt trận cuối cùng. Gặp lại đối thủ đầy duyên nợ, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi nhớ về kỳ tích Thường Châu năm 2018, nơi U23 Việt Nam làm nên lịch sử với ngôi vị Á quân.
Đây cũng là giải đấu để đời của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Những pha bay người hết cỡ cứu thua, hay các màn đổ người cản phạt đền của Bùi Tiến Dũng góp công lớn giúp 23 Việt Nam đi đến trận chung kết theo cách ngoạn mục nhất.
Sau U23 châu Á 2018, Bùi Tiến Dũng được kỳ vọng sẽ có những bước thăng tiến lớn trong sự nghiệp. Thế nhưng, hào quang quá lớn đã vô tình trở thành một trong những rào cản, khiến Bùi Tiến Dũng gần như… đứng yên, thậm chí sa sút so với chính mình suốt 4 năm qua.
HLV Park Hang-seo không còn gọi Bùi Tiến Dũng lên tuyển Việt Nam sau Asian Cup 2019. Tại cấp độ CLB, Bùi Tiến Dũng cũng phải ngồi dự bị từ Hà Nội FC đến CLB TP.HCM.
Sự thăng trầm của người gác đền sinh năm 1997 đến từ áp lực dư luận sau mỗi lần mắc sai lầm. Anh cũng gặp đen đủi khi không ít lần dính chấn thương.
Những đồng đội của Bùi Tiến Dũng như Văn Hoàng, Văn Toản, từ người dự bị cho anh đã phát triển khá tốt. Văn Hoàng chưa được HLV Park Hang-seo trao cơ hội bắt chính nhưng thường xuyên lên tuyển Việt Nam. Văn Toản được HLV Park Hang-seo quy hoạch cho tương lai.
Điểm khác biệt giữa Văn Hoàng, Văn Toản và Bùi Tiến Dũng là cơ hội được chơi bóng. Văn Hoàng bắt chính ở SLNA còn Văn Toản cũng là thủ môn số 1 trong khung gỗ của Hải Phòng.
Vì vậy, thực tế, cánh cửa ĐT Việt Nam chưa bao giờ đóng lại với Bùi Tiến Dũng mà chỉ đang khép hờ. Một khi Bùi Tiến Dũng được bắt chính một cách thường xuyên tại TP.HCM, cánh cửa này sẽ rộng mở. Vấn đề quan trọng là, thủ thành gốc Thanh Hóa cần chứng minh năng lực để được HLV Park Hang-seo gọi tên.