Vì hôn sự của thái tử Chu Kiến Thâm (vua Minh Hiến Tông sau này), hoàng đế Minh Anh Tông đã đích thân tổ chức kỳ tuyển thái tử phi. Vua hạ chiếu tổ chức 1 buổi chọn tú nữ đến từ các danh gia vọng tộc của quan lại trong triều. Lần tuyển chọn đầu tiên, trong 12 tú nữ hoàng thượng đích thân chọn ra 3 người ở lại trong cung. Ba người đó lần lượt là Ngô thị, Vương thị và Bách thị.
Tuy nhiên, chưa kịp tiến hành chọn ra ai làm thái tử phi thì hoàng thượng ngã bệnh. Năm 1465, lúc lâm chung, Minh Anh Tông đã kịp thời truyền ngôi cho thái tử Chu Kiến Thâm và định đoạt Ngô thị làm thái tử phi.
Ngô thị sinh ra vào năm vua Minh Anh Tông thứ 13 (tức năm 1448). Thái tử phi xuất thân từ gia tộc quyền quý 3 đời đều là tướng chỉ huy cấp cao và trọng yếu trong triều đình. 3 tháng sau khi tiên đế băng hà, Chu Kiến Thâm lên kế vị lấy hiệu là Minh Hiến Tông, đồng thời tiến hành đại hôn với Ngô thị khi đó tròn 17 tuổi dựa theo di chỉ.
Điều không ngờ rằng chỉ vỏn vẹn đúng một tháng sau ngày đại hôn, vua Minh Hiến Tông hạ chỉ phế hoàng hậu, tịch thu sắc bảo và đày hoàng hậu vào lãnh cung. Việc phế hậu trong lịch sử Trung Quốc không phải là ít nhưng trường hợp chỉ mới một tháng nắm giữ lục cung đã bị phế bỏ là chuyện hiếm gặp. Hành động này của Minh Hiến Tông đã nhận được không ít lời đàm tiếu và nghi hoặc từ quan thần và bách tính.
Vậy nguyên nhân gì khiến hoàng hậu 17 tuổi bị phế bỏ và đày vào Lãnh Cung?
Phế bỏ hoàng hậu là chuyện đại sự, ảnh hưởng đến cả triều đình nhưng hoàng thượng vừa lên kế vị đã hạ chỉ không chút đắn đo. Minh Hiến Tông đã trả lời thế nào khi quần thần chất vấn? Lý do mà hoàng đế đưa ra là:
Thứ nhất, do hành vi thường ngày của hoàng hậu Ngô thị không đoan trang. Theo cuốn "Minh sử" ghi chép, lý do Minh Hiến Tông đưa ra là cách ăn nói của Ngô thị tùy tiện, thiếu lễ độ, hành động tùy ý sơ suất và thường xuyên nói năng tục tĩu. Tân hoàng đế đưa ra rất nhiều lời lẽ phê bình về cách ứng xử và phong thái của hoàng hậu.
Thứ hai, Hoàng hậu tiến cung không chính đáng. Theo như cách nói của Minh Hiến Tông thì ông cho rằng người đáng lẽ được tiến cung làm đương kim hoàng hậu là Vương thị chứ không phải Ngô thị. Do thái giám Ngưu Ngọc làm càn giới thiệu và khen ngợi Ngô thị trước mặt hoàng thái hậu và tiên đế dẫn đến việc Ngô thị được chọn làm thái tử phi và sau này trở thành hoàng hậu.
Hai lý do trên đều do Minh Hiến Tông đích thân tuyên bố nhưng nhiều quan thần cho rằng lý lẽ này phần lớn đến từ cái nhìn phiến diện của nhà vua.
Trái với nguyện vọng của tiên đế, ban đầu thái tử không hề muốn Ngô thị làm thái tử phi của mình mà tiến cử một người khác. Người mà thái tử yêu thương lại là cung nữ Vạn thị (một nữ nhân hơn mình 17 tuổi). Tuy nhiên, Vạn thị xuất thân thấp kém lại chênh lệch tuổi tác với thái tử rất lớn nên đương nhiên hoàng thái hậu và tiên đế sẽ không đồng ý chuyện này.
Sau khi lên ngôi Minh Hiến Tông phong Vạn thị làm phi tần và chính thức ban thưởng tẩm cung cho cung nữ này. Chính vì lòng mến mộ trước đó hoàng thượng ngày đêm chỉ kề cạnh Vạn thị, không đoái hoài đến các phi tần khác, ngay cả hoàng hậu cũng ít nhận được ân sủng từ vua.
Vạn thị nhận thấy Ngô thị mới 17 tuổi có tính hiếu thắng nên đã mượn điểm yếu đó khiến hoàng thượng phế hậu chỉ trong 1 thời gian ngắn. Đúng như dự đoán, Ngô thị thấy Vạn thị vừa già vừa thấp kém lại được Minh Hiến Tông sủng ái hết mực đã sinh lòng đố kỵ. Một hôm, hoàng hậu cho người đưa Vạn thị về tẩm cung của mình tiến hành giáo huấn.
Ngô thị không những buông lời trách mắng còn phạt trượng Vạn phi vô cớ. Nhìn thấy người mình yêu chịu ấm ức như vậy, Minh Hiến Tông vô cùng phẫn nộ, trực tiếp hạ chỉ phế hậu và đẩy Ngô Hoàng hậu vào lãnh Cung.
Như vậy, Vạn phi không cần dùng nhiều tâm sức cũng có thể hạ bệ được đương kim hoàng hậu. Sau khi bị phế, Ngô Hoàng hậu sống một đời lặng lẽ trong lãnh cung, còn Vạn phi thì chiếm trọn tình cảm từ hoàng đế, sau này còn được phong làm Vạn Quý phi (tước vị chỉ kém hoàng hậu 1 bậc).
Chính vì địa vị ngày càng vững chắc trong hậu cung, Vạn thị câu kết với hoạn quan làm càn, liên tiếp đầu độc các phi tần mang thai khiến Minh Hiến Tông suýt nữa tuyệt tự.