Dân Việt

Vị hoàng đế mù chữ chỉ viết vỏn vẹn 2 tuyệt phẩm nhưng lấn át 40.000 bài thơ của Càn Long

PV 31/03/2022 16:32 GMT+7
Vị hoàng đế xuất thân bình dân và không được học hành đến nơi đến chốn nhưng để lại 2 kiệt tác lưu danh muôn đời. Đó là ai?

Trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết các hoàng đế và quan lại đều có xuất thân từ tầng lớp quý tộc, được giáo dục văn hóa từ khi còn nhỏ và tham gia tuyển chọn ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, việc tồn tại một người trong số đó không biết chữ là điều rất hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên có ghi chép lại một vị hoàng đế như vậy. Người mà đời sau nhắc đến với cái tên "hoàng đế thất học" không ai khác chính là Hán Cao Tổ Lưu Bang. Cả cuộc đời ông chỉ sáng tác ra 2 bài thơ nhưng lấn át hết 40.000 bài thơ của Càn Long.

Vị hoàng đế mù chữ chỉ viết vỏn vẹn 2 tuyệt phẩm nhưng lấn át 40.000 bài thơ của Càn Long - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Lưu Bang trên phim. Ảnh: Sohu

Theo ghi chép của Sử ký, Lưu Bang sau khi xưng đế đã từng cười nói với cha mình rằng: "Trước đây, người luôn nói ta làm việc đều không bằng anh cả. Vậy bây giờ người thấy sao?"

Vốn có xuất thân bình dân nên Lưu Thái Công (cha của Lưu Bang) luôn yêu cầu ông phải học cách để làm những công việc đồng áng, trồng trọt thật tốt và không mấy chú trọng việc học chữ. Lưu Bang từ nhỏ đã không chăm chỉ học hành, sau khi lớn lên lại càng khó để tiếp thu kiến thức văn hoá. Vậy nên sau này ông bị người đời nhận xét là có thái độ không tốt với các học giả và vô cùng thô lỗ.

Tuy vậy, Lưu Bang lại sáng tác ra "Đại phong ca" và "Hồng hộc ca" là hai kiệt tác được lưu truyền cho đến tận ngày nay. "Đại phong ca" kể về lần Lưu Bang đích thân dẫn quân đi dẹp loạn Anh Bố. Trên đường trở về đi qua cố hương ở huyện Bái, ông đã lưu lại tổ chức yến tiệc ăn mừng. Trong tiệc rượu linh đình, Lưu Bang cao hứng hô:

"Đại phong khởi hề vân phi dương,

Uy gia hải nội hề quy cố hương,

An đắc mãnh sĩ hề thủ tứ phương".

Lưu Bang bề ngoài luôn giữ dáng vẻ lạnh lùng, thô bạo nhưng ẩn bên trong đó là lại là khí chất anh hùng kiệt xuất khiến người người nể phục. Bài thơ của Lưu Bang chỉ vỏn vẹn 3 dòng nhưng lại khiến cho người nghe lập tức có sự đồng cảm mạnh mẽ, lập tức cảm nhận được sóng biển hùng vĩ trong lòng của vị hoàng đế khai quốc cùng với nỗi ưu phiền không tìm được nhân tài cùng mình bảo vệ đất nước.

Bài thơ thứ 2 là "Hồng hộc ca", ra đời trong sự bất lực của Lưu Bang ở những năm tháng cuối đời vì ông không thể thay đổi thái tử theo mong muốn của mình. Khi đó, Lưu Bang muốn phế truất Lưu Doanh (con của Lã hoàng hậu) lập Lưu Như Ý ( con trai của Thích phu nhân) lên làm thái tử.

Lưu Doanh lúc bấy giờ đã được 4 vị hiền sĩ (Thương Sơn Tứ Hạo) phò trợ giống như loài hồng hộc đủ lông đủ cánh, thế cục không thể lay chuyển. Bất lực trước thế sự, Lưu Bang đã mời Thích phu nhân múa một điệu còn mình vừa gảy đàn vừa ca lên khúc "Hồng hộc ca".

Mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của thơ văn vốn không nằm ở số lượng mà là chất lượng, hoàng đế Càn Long đã viết hơn 40.000 bài thơ, nhưng khi đối diện với hai bài thơ của Lưu Bang thực sự không có bài nào sánh bằng.