Theo bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM, Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ không có tiêu chí đánh giá, phân hạng cho hoa lan, cá cảnh và tổ yến.
Câu chuyện không có tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho hoa lan, cá cảnh và tổ yến thỉnh thoảng được nhắc trong một số hội nghị ngành nông nghiệp ở TP những năm qua.
Mới đây, tại Hội nghị Giao ban công tác Hội và phong trào nông dân do Hội Nông dân TP tổ chức, câu chuyện "chính danh" OCOP cho 3 sản phẩm tiêu biểu trên lại được đặt ra.
Anh Bùi Ngọc Đức, nông dân trồng mai vàng ở xã Bình Lợi (Bình Chánh) đặt vấn đề, tại sao Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP không có tiêu chí đánh giá, phân hạng cho sản phẩm hoa lan, mai vàng?
Anh Đức cũng đề nghị, TP nên yêu cầu Trung ương bổ sung tiêu chí đánh giá, phân hạng sớm cho 2 sản phẩm này.
Hiện, xã Bình Lợi có khoảng 600ha mai vàng. Riêng anh Đức đang trồng mai vàng với 3ha.
Ngành nông nghiệp TP đang xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho làng mai vàng này, nhưng làm sản phẩm OCOP thì… bó tay.
Theo bà Mai, không chỉ có hoa mai, cá cảnh mà cả tổ yến cũng không có tiêu chí đánh giá, phân hạng trong bộ tiêu chí của Trung ương.
Bà Mai cho biết, bất cập này đã được TP đề xuất Trung ương bổ sung trong bộ tiêu chí OCOP mới đang xây dựng cho giai đoạn 2022-2025.
"Và nếu bộ tiêu chí mới cũng không có tiêu chí đánh giá, phân hạng cho 3 sản phẩm hoa mai, cá cảnh và tổ yến, TP sẽ tự làm tiêu chí riêng", bà Mai khẳng định.
Hiện, cả nước có hơn 5.600 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, TP mới chỉ có… 28 sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, bà Mai thông tin, hiện nông dân, doanh nghiệp, HTX ở TP rất quan tâm đến việc làm sản phẩm OCOP.
Và không chỉ ở các huyện, nông dân, doanh nghiệp ở các quận cũng muốn làm sản phẩm OCOP.
Vì thế, nhiều khả năng, TP sẽ mở rộng phạm vi địa bàn để "nhà nhà làm OCOP".
Tại hội nghị, ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP cho biết, giải pháp phát triển sản phẩm OCOP là cần đẩy mạnh tập huấn cho nông dân.
Ông Thanh đề nghị Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân TP (Hội Nông dân TP) phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện nông dân làm OCOP.
Bà Mai cho rằng, muốn phát triển sản phẩm OCOP, cần phải tuyên truyền cho người dân thấy mặt lợi ích khi tham gia.
Và trên hết, theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Nguyễn Thanh Xuân, làm OCOP không phải làm phong trào. Đây là làm giá trị, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của TP.