Trong những trận đấu đầu tiên, VAR có thể xem là kẻ thù của ĐT Việt Nam. Ngay ở trận đấu với Saudi Arabia, VAR đã khiến Việt Nam tái mặt và làm ông Park Hang-seo nóng nảy. ĐT Việt Nam đang dẫn trước đội bạn với tỷ số 1-0 nhờ bàn thắng ngay từ phút thứ 3 của Quang Hải thì đến phút 53, Đỗ Duy Mạnh vô tình để bóng chạm tay trong vòng cấm địa sau nỗ lực nhoài người chặn pha dứt điểm của đối phương. Đấy cũng là lúc VAR can thiệp. Trọng tài chính theo dõi rất kỹ video trước khi rút thẻ vàng thứ 2 cho Duy Mạnh đồng thời chỉ tay vào chấm phạt đền. Vừa mất người, vừa chịu penalty, ĐT Việt Nam thua ngược 1-3 trước Saudi Arabia.
Chính VAR cũng khiến Việt Nam bị lỡ cơ hội hưởng phạt đền trước Australia sau đó. Nguyễn Phong Hồng Duy tung cú sút xa trúng tay của hậu vệ Grant trong vòng cấm địa. VAR lập tức can thiệp để trọng tài chính đánh giá đó có thể là phạt đền cho Việt Nam hay không. Tuy nhiên chung cuộc, sau khi tham khảo VAR, trọng tài không thổi penalty cho Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, VAR có một chuỗi quyết định bất lợi cho Việt Nam khi gặp Oman. Trong đó, Việt Nam hai lần chịu phạt đền bởi đối thủ cũng như bị xét nét rất kỹ càng trong tình huống ghi bàn mở tỷ số của Nguyễn Tiến Linh ở màn so tài này.
Tuy nhiên sau đó, VAR đã thân thiện hơn với ĐT Việt Nam. Trước Saudi Arabia ở lượt về, VAR cũng giúp Việt Nam tránh một bàn thua khi xác nhận cầu thủ đối phương phạm lỗi với Thành Chung trước đó. Ngoài ra, VAR cũng giúp Việt Nam thoát 1 bàn thua ở giây thứ 19 trước Australia. VAR xác định tiền vệ Irvine ở vào vị trí việt vị, đã cản tầm nhìn của thủ môn Tấn Trường, ở tình huống ghi bàn chóng vánh này.
Thêm vào đó là 2 trận đấu với Nhật Bản. Việt Nam đã chịu 2 bàn thua đến từ Junya Ito và Tanaka. Nhưng cả 2 tình huống đó, VAR đều can thiệp và xác nhận có những tác động đến từ các cầu thủ Nhật Bản ở tư thế việt vị hoặc chạm bóng bằng tay, qua đó không công nhận bàn thắng của Nhật Bản trước Việt Nam.