Chính quyền TP.HCM ban đầu còn có sự lúng túng vì chưa có đủ vaccine, hệ thống y tế đang thiếu và quá tải trầm trọng.
Ngay thời điểm đó, chính quyền TP xác định phải khẩn cấp thành lập hàng loạt bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để tiếp nhận, thu dung điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Ông Bình lúc này được giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ vấn đề xây dựng, cải tạo các bệnh viện dã chiến và phải làm thần tốc trong thời gian ngắn để đưa vào sử dụng.
Vẫn phong cách đó, nhanh nhẹn, nắm sát công việc, chỉ đạo hiệu quả, ông đã hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương để triển khai xây dựng 4 trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các trung tâm này được thiết lập từ con số 0 trong thời gian ngắn kỷ lục, đã góp phần giảm mạnh số lượng ca tử vong do Covid-19, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Song song đó là chạy đua để đảm bảo oxy cho các bệnh viện, nhất là giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Đôi chân chẳng chịu ngồi yên, anh thường xuyên có mặt ở cơ sở, kiểm tra, động viên, nhắc nhở các địa phương lưu tâm chăm sóc tốt F0 tại nhà…
Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Trần Bình Giang nhớ lại thời điểm cuối tháng 7/2021, ông cùng 5 đồng nghiệp vào TP.HCM "tiền trạm" để xây dựng Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19.
Khi ấy dịch ở TP.HCM đang rất nóng, mỗi ngày có hàng ngàn ca mới, hàng trăm ca nặng và hàng chục ca tử vong.
Khảo sát từ Thủ Đức đến Bình Chánh, ở đó có một khu vực được TP xây dựng cho bệnh nhân Covid-19 thông thường, với nhiều vách ngăn thành phòng nhỏ, cần phá đi để có mặt bằng, gần như là xây dựng lại, chưa có hệ thống cung cấp oxy... Hàng núi công việc phía trước mà thời gian cần gấp để đón bệnh nhân.
"Lúc đó anh Lê Hòa Bình nói: "Chúng tôi sẽ đáp ứng được tất cả yêu cầu của bác sĩ, 5 ngày nữa các bác sĩ có thể đón những bệnh nhân đầu tiên". 5 ngày với bằng ấy công việc, tôi đã nghĩ là rất khó khăn, thậm chí không thể, nhưng anh Lê Hòa Bình, các cộng sự, nhà tài trợ đã cùng xắn tay vào, anh Bình trực tiếp chỉ huy công trình.
Và đúng 5 ngày sau, chúng tôi đã đón được những bệnh nhân đầu tiên. Toàn bộ trung tâm đã được hoàn tất trong thời gian kỷ lục là 11 ngày. Trong gần 3 tháng chúng tôi đã tiếp nhận trên 1.000 người bệnh, tất cả đều rất nặng", BS Giang nhớ lại.
Chỉ từ đầu tháng 7 đến tháng 10/2021, TP.HCM đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng.
Nhiệm vụ của các bệnh viện dã chiến này là thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Cùng với đó, bốn trung tâm hồi sức cấp cứu cũng được thành lập để tiếp tục cứu chữa cho bệnh nhân.
TP.HCM đã kiểm soát được dịch Covid-19, bước sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình là người đau đáu với các giải pháp mở lại các hoạt động của thành phố sau dịch.
Nhằm từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Chính phủ, ông Bình yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm chỉnh thực hiện việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông chỉ đạo một cách quyết đoán khi cho rằng, nguyên tắc không mở cửa ồ ạt, mà thực hiện từng bước chặt chẽ, chắc chắn, có lộ trình, mở khu vực nào theo sự cho phép.
Khi xuất hiện biến thể Omicron tại TP.HCM, trong buổi làm việc với một số địa phương, ông yêu cầu không được chủ quan lơ là trong phòng chống dịch, đặc biệt trước biến thể mới Omicron đang đe dọa, thách thức.
"Đại dịch Covid-19 vừa qua với biến thể Delta đã để lại nhiều đau thương, mất mát khi có hàng ngàn người dân, cán bộ chiến sĩ đã mãi mãi nằm xuống. Lúc này, chúng ta không được phép chủ quan", ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh khi chủ trì họp về phòng, chống dịch.
Tháng 12/2021, ông được phân công làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM. Nhiệm vụ mới, trọng trách trên vai càng nặng nề, nhưng ông đã chuẩn bị cho mình nhiều dự định, nhiều ấp ủ như tập trung đột phá phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, thúc đẩy áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (big data) trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật và giao thông.
Cùng với đó là thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển đô thị, phát triển nhà ở cho người dân, chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển cây xanh...
Quá nhiều công việc cần làm, quá nhiều dự định đang ấp ủ, những điều ông muốn làm, đang làm cũng là điều người dân mong ngóng.
Sáng 29/3, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hướng từ TP.HCM đi Trung Lương, đoạn qua xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ô tô 7 chỗ đang đi công tác do tài xế Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1989) điều khiển bị nổ vỏ, làm xe bị lật nằm chắn ngang làn 2 và làn khẩn cấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình (sinh năm 1970) và ông Dương Tấn Trước (sinh năm 1981) ngồi trên xe bị thương. Mặc dù đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cấp cứu nhưng ông Lê Hòa Bình đã qua đời.
Linh cữu của ông quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM.
Lễ viếng từ 13h ngày 31/3. Lễ truy điệu lúc 7h30 ngày 2/4. Lễ di quan lúc 8h ngày 2/4. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP.HCM (TP.Thủ Đức).