Chuyển động Nhà nông 1/4.
Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh
So với cùng kỳ năm 2021, hiện nay giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 35%. Kéo theo đó, giá cám thành phẩm trong nước đã tăng hơn 20% trong năm vừa qua. Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi như CJ Vina Agri, Greenfeed hay C.P Việt Nam… đã thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi do giá nguyên liệu biến động tăng mạnh. Thời gian áp dụng mức giá mới từ ngày 1/4/2022 cho đến khi có thông báo mới. Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nhưng giá các sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá lợn hơi đang ở mức thấp, khiến cho ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ nặng nề.
Diện tích thanh long Bình Thuận giảm gần 1.000 ha
Ngày 30/3, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận về triển khai giải pháp để tuyên truyền, định hướng tổ chức sản xuất giúp người trồng thanh long ổn định sản xuất và tình trạng một số người dân chặt bỏ thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác. Tới nay, đã có 6 huyện trồng nhiều thanh long đã thực hiện việc rà soát là Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Tánh Linh, thành phố Phan Thiết, riêng huyện Đức Linh diện tích trồng thanh long không đáng kể. Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh giảm là 936 ha trên địa bàn 6 huyện. Trong đó có khoảng 433 ha thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác; 12 ha thanh long chuyển mục đích sử dụng (phân lô, bán nền…); diện tích thanh long chặt bỏ, không sản xuất là khoảng 478 ha.
Tôm hùm tiếp tục giảm giá sâu
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa như ngồi trên đống lửa khi giá tôm liên tục xuống thấp trong khi giá thức ăn ngày một tăng cao. Trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm xanh được thu mua ở mức 1,1-1,2 triệu đồng/kg nhưng hiện tại giá tôm hùm đã giảm gần một nửa, chỉ còn 700 nghìn đồng/kg. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 63.420 ô lồng nuôi tôm hùm với sản lượng đạt khoảng trên 1.000 tấn. Trong đó, 4 vùng biển trọng điểm nuôi tôm hùm là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% sản lượng tôm hùm được tiêu thụ ở nội địa, số còn lại chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và lệ thuộc vào thương lái thu mua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến phía Trung Quốc lên tục đóng cửa các cửa khẩu hoặc đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển cũng như hàng hóa nhập khẩu vào nước này khiến cho ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ tôm hùm.
Quý I Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp nhất từ thị trường Brazil
Tính chung quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 9,8 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 2,7%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 564,3 triệu USD, tăng 13%; nhóm lâm sản chính khoảng 675,4 triệu USD, giảm 10,3%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 726,3 triệu USD, giảm 15,5%; nhóm đầu vào sản xuất ước trên 1,6 tỷ USD, giảm 2,3% (nhưng phân bón tăng 55,8%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 17,1%). Đứng đầu là thị trường Brazil xuất khẩu sang Việt Nam đạt 846 triệu USD, chiếm 8,6% thị phần, trong đó, mặt hàng bông các loại chiếm 29,5% giá trị xuất khẩu. Tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 738,4 triệu USD, chiếm 7,5% thị phần, trong đó, mặt hàng cao su chiếm khoảng 81,1% giá trị xuất khẩu.