Dân Việt

Chuyển động Nhà nông 3/4: Cơ hội cho nhiều loại trái cây Việt xuất khẩu sang Iran

THDV 03/04/2022 14:00 GMT+7
Nhu cầu cao về các loại hoa quả mọng nước của Iran là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi sang thị trường này. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 3/4.

Cơ hội cho nhiều loại trái cây Việt xuất khẩu sang Iran

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông, thủy sản như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ… Trong đó, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và chè chiếm phần lớn kim ngạch nông sản xuất khẩu sang Iran. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Iran 30 triệu USD hạt điều, 17 triệu USD cà phê, 14 triệu USD hạt tiêu, 7 triệu USD chè. Hàng năm, Iran nhập khẩu 470 nghìn tấn trái cây nhiệt đới, trị giá 700 triệu USD. Những loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu chính là chuối, dừa và xoài do sản lượng nội địa thấp hoặc không sản xuất được. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm đường xuất khẩu thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi sang Iran.

Thái Lan muốn họp với Việt Nam, Trung Quốc, Lào để tăng thương mại trái cây

Theo Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây và mở một làn xanh dành cho trái cây Thái Lan tại mỗi cửa khẩu góp phần đẩy nhanh việc giải phóng hàng tránh gây thiệt hại. Theo báo cáo của Vụ Nội thương (Bộ Thương mại Thái Lan), tổng sản lượng trái cây vụ mùa 2022 của nước này dự kiến tăng 13% lên 5,43 triệu tấn. Bộ Thương mại Thái Lan đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trái cây trị giá 287,50 tỷ Bạt (8,53 tỷ USD) bao gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp. Trong đó, 180 tỷ Bạt dự kiến đến từ Trung Quốc, tăng 65% so với năm ngoái.

Mục tiêu xuất khẩu cao chủ yếu do nhu cầu tăng đối với trái cây Thái Lan và sản lượng cao mùa vụ 2022. Để thúc đẩy xuất khẩu trái cây, Bộ Thương mại Thái Lan đã xúc tiến bán trái cây thông qua các hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn, chủ yếu với Trung Quốc.

Giá gạo Việt Nam giảm do nguồn cung tăng lên

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không đổi trong tuần này trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tăng và đồng rupee tăng giá, trong khi lượng dự trữ tăng đã ảnh hưởng đến giá gạo tại Việt Nam. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 367-370 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 400-415 USD/tấn trong phiên 31/3, giảm so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng thu hoạch từ vụ Đông-Xuân, thêm vào đó chất lượng vụ mùa này đã bị ảnh hưởng do mưa kéo dài khi thu hoạch. Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 72.000 tấn gạo dự kiến sẽ được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần đầu tiên của tháng 4/2022, trong đó, hầu hết số gạo này sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi. Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý I/2022 ước tính tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 lên 1.475 triệu tấn, nâng doanh thu tăng khoảng 10,5% lên 715 triệu USD.

Nông nghiệp Ukraine chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine mới đây cảnh báo nước này có thể mất một nửa sản lượng mùa vụ năm nay do xung đột khiến nguồn cung bị gián đoạn. Bộ trưởng Mykola Solsky cho biết năm 2021 Ukraine đã thu hoạch kỷ lục 106 triệu tấn ngũ cốc, nhưng năm nay, con số này có thể giảm 25% hoặc thậm chí 50%. Thậm chí Bộ trưởng Solsky còn cho rằng "đó vẫn là một dự báo lạc quan". Vốn nổi tiếng với đất đen màu mỡ, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới và đang trên đà trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 3 toàn cầu.

Do xung đột, một số khu vực, cụ thể là các tỉnh Kherson màu mỡ, Zaporizhzhia và Odessa ở miền Nam đã không thể canh tác nông nghiệp.

Trong khi Bộ trưởng Solsky cam kết rằng "nông dân Ukraine sẽ gieo hạt ở mọi nơi có thể", ông ước tính họ chỉ có thể tiếp cận 50-75% diện tích đất trồng trọt của Ukraine trong mùa vụ này, điều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực trên toàn thế giới./.