Theo Sở GDĐT Hà Nội, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP đang có những chuyển biến tích cực, số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh giảm mạnh trong thời gian gần đây. Sở GDĐT đã chỉ đạo phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã lấy ý kiến cha mẹ học sinh, kết quả có hơn 75% cha mẹ học sinh thống nhất để các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp tại trường.
Trên cơ sở đó, Sở GDĐT Hà Nội đề xuất cho phép học sinh tiểu học và lớp 6 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đến trường học trực tiếp từ 6/4 (thứ Tư), trẻ mầm non tiếp tục nghỉ tại nhà.
Sau thời gian dài học online, trẻ háo hức mong được tới trường!
Ngay sau khi được mẹ thông báo sẽ đi học trở lại trong tuần này, em Nguyễn Thanh Minh Hà, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã nhảy lên vui sướng. Sau Tết Nguyên đán, học sinh lớp 1-6 các huyện được đi học trở lại 3 tuần, tuy nhiên, Minh Hà chỉ được đi học duy nhất 1 buổi. Sau buổi học đầu tiên, em phải nghỉ ở nhà vì là F1 rồi là F0 do lây từ bạn cùng lớp.
"Con muốn được đi học. Con muốn gặp các bạn. Con không thích ở nhà", Minh Hà bày tỏ.
Cùng chung tâm trạng, em Minh Huy, học sinh Trường Tiểu học Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội cũng vui mừng không kém khi được đi học lại. "Con chỉ muốn ngày mai được đi học luôn thôi", Minh Huy cho biết.
Chị Nguyễn Phương Nga, phụ huynh có 2 con học lớp 2 và 6 tại quận Đống Đa không giấu được cảm xúc sau bao ngày mong đợi. "Hà Nội đã trải qua đỉnh dịch, tôi và nhiều phụ huynh khác cũng đã yên tâm hơn khi cho con đi học tại trường. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là các con nghỉ hè rồi. Nghe tin con được đến trường tôi thấy như mùa xuân đến rồi ấy", chị Nga tươi cười cho biết.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số phụ huynh e dè khi nghe tin con đi học trong tuần này. "Con tôi chưa được tiêm vaccine nên tôi rất sợ con đi học lây dịch bệnh từ các bạn. Tôi vẫn muốn con đi học sau khi được tiêm phòng đầy đủ", một phụ huynh bày tỏ.
Là một chuyên gia tâm lý giáo dục, PGS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay với tuổi học trò, ngoài hoạt động chủ đạo là học tập, học sinh cũng cần giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài môi trường xã hội.
Theo chuyên gia này, việc bị đứt gãy các hoạt động này khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi. Các em cũng phải chịu thêm áp lực học hành khi học trực tuyến không hiệu quả bằng trực tiếp nhưng vẫn phải hoàn thành các loại bài tập, việc tiếp xúc nhiều với máy tính dễ gây mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều trẻ còn bị áp lực từ cha mẹ khi bị giám sát suốt cả ngày.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, PGS Phạm Mạnh Hà cho hay thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cho thấy tỷ lệ học, sinh sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Theo đó, PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng cần phải có lộ trình để đưa 100% trẻ tới trường.
Theo anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con vượt qua các kỳ thi" cho hay: "Sự thận trọng của giáo dục thủ đô và một bộ phận phụ huynh là hơi quá. Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều con bậc Tiểu học và lớp 6 dù ngồi nhà vẫn bị nhiễm Covid-19. Hiện nay các khu vui chơi, kể cả phố đi bộ đã đông đúc trở lại, góp phần không nhỏ chính là các bạn đang phải học trực tuyến kéo dài. Do vậy đây là thời điểm thích hợp để các con quay lại trường, nếu không các con sẽ bị thiệt thòi rất nhiều, do những ảnh hưởng không phải lúc nào cũng nhận thấy ngay.
Cá nhân tôi cho rằng, thời điểm này thích hợp cho các con được đến trường ôn tập, củng cố kiến thức trước khi bước vào thi học kỳ 2. Điều này đặc biệt quan trọng với các con lớp 1, lớp 5".