Ngày nay, có lẽ ai cũng nghĩ rằng tắm rửa và đi toilet là một khoảnh khắc đầy riêng tư. Thậm chí, có người còn sử dụng nhà vệ sinh làm chốn yên bình để trốn tránh những thực tại mệt mỏi.
Nhưng đó là chuyện của bây giờ. Còn ở thế kỷ 19, câu chuyện ấy thực sự là rất xa xỉ. Dành cho những ai chưa biết, phòng tắm và nhà vệ sinh có cấp nước xuất hiện tại châu Âu từ cuối thập niên 1800. Trước đó, thứ người xưa sử dụng là các nhà vệ sinh công cộng. Và "công cộng" ở đây là đúng nghĩa đen luôn, khi người ta phải "đi" chung một chỗ, rồi cùng nhau trò chuyện khi đang làm thứ vốn dĩ là rất riêng tư trong thời đại ngày nay.
Nhìn chung, cách người xưa đi vệ sinh có rất nhiều sự thật thú vị và tương đối... rùng rợn, và chúng ta nên cảm thấy vui mừng khi đã sinh ra ở thời hiện đại.
Từ thời La Mã cổ đại đến Trung Cổ, phụ nữ và và đàn ông muốn tắm rửa đều phải đến nhà tắm công cộng, do chính quyền vận hành. Thậm chí trong văn hóa của họ, nhà tắm là nơi hết sức phù hợp để tăng mối quan hệ xã hội.
Nhìn chung thì ngoại trừ việc phải tắm chung ra, các nhà tắm này cũng khá thú vị, có cả bồn nước nóng, nước lạnh, thậm chí tích hợp cả phòng gym và thư viện. Một số nhà tắm rộng đến mức có đủ chỗ cho 1600 người vào cùng một lúc.
Tương tự với câu chuyện vệ sinh. Thời đại này sẽ có những nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ở trung tâm thành phố, và chẳng có nổi một chiếc vách ngăn. Người thời xưa coi đây là hành động rất vì tập thể, dùng để nói chuyện phiếm với nhau trong lúc hành sự.
Thời nay, nhiều người thích vào phòng tắm để tận hưởng khoảnh khắc riêng tư của mình. Còn người La Mã khi xưa, họ mang đồ ăn, đồ chơi, thậm chí bàn chải đánh răng vào đó. Họ không ngần ngại xử lý những nhu cầu nhạy cảm và căn bản nhất, trong khi mồm vẫn đang trò chuyện với người khác.
Hơn thế nữa, người La Mã khi xưa tin rằng phòng tắm là nơi rất phù hợp để làm quen và kết bạn. Theo một nghiên cứu, họ thậm chí sẵn sàng ăn tiệc luôn trong phòng tắm, y như hồ bơi ngày nay.
Thời La Mã cổ, giấy vệ sinh chưa tồn tại. Người xưa giải quyết hậu quả sau khi "đi cầu" bằng một que gỗ gắn bọt biển để làm sạch... chỗ cần sạch. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, họ không có que chùi riêng. Tất cả các que chùi kèm bọt biển đều là hàng dùng đi dùng lại nhiều lần. Sau khi dùng (chùi), chúng được nhúng vào một chiếc xô chứa nước muối hoặc giấm để làm sạch cho người kế tiếp.
Mà chẳng biết có sạch thật không nữa.
Việc chuẩn bị tắm rửa thường được làm tại nhà, trước khi chính thức đến phòng tắm. Vậy nên, cảnh tượng một người đàn ông khỏa thân hoặc mặc độc chiếc quần lót đi nghênh ngang trên phố là điều khá phổ biến trong thời đại này.
Thời Trung Cổ, bạn thậm chí chẳng có nhà vệ sinh mà dùng. Nếu muốn giải quyết, hãy tìm một chiếc cầu thang, hoặc chui xuống gầm cầu, hoặc đứng giữa thanh thiên bạch nhật mà làm.
Theo nhà sử học Carole Rawcliffe giải thích thì vào cuối thời Trung Cổ, mọi người bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe và vấn đề vệ sinh. Vì thế, nhà cầm quyền bắt đầu cấp tiền xây dựng các khu vực "phóng uế" nơi công cộng, để giúp thành phố sạch sẽ hơn. Người dân - chủ yếu là đàn ông - có thể giải quyết qua những chiếc lỗ được xây trên cầu, với mục đích xả thẳng thứ cần xả xuống dòng sông bên dưới.
Trong thời đại này, thiết kế nhà vệ sinh sẽ được dựa trên địa vị xã hội. Các lâu đài sẽ có một chỗ đặc biệt với lỗ được đặt ngay trên sàn nhà. Chiếc lỗ ấy nối xuống mặt đất bên ngoài lâu đài, để người có chức vị xả thẳng vào đó.
Mô hình nhà vệ sinh kiểu này có một bất lợi là... mùi. Nó kinh khủng hơn gấp nhiều lần so với các nhà vệ sinh ngày nay, đặc biệt là vào mùa hè.
Việc sử dụng nhà vệ sinh trở nên phổ biến, cũng là lúc nảy sinh ra một công việc mới. Họ là những người chuyên đi thu dọn uế phẩm của xã hội, làm việc theo ca 24h ở các khu vực lớn. Còn những nơi nghèo hơn, tần suất thu dọn cũng ít hơn.
Thời xưa, tiếp cận được các phương pháp thu dọn uế phẩm tối ưu nhất cũng phụ thuộc vào tầng lớp xã hội. Cùng với việc không có toilet trong nhà, người dân tại Edinburgh (Scotland) thường xuyên đổ thẳng uế phẩm ra ngoài.
Người dân khi đó mỗi khi nghe thấy từ "Gardyloo" là lập tức né, bởi đó là âm thanh cảnh báo trước khi người ta đổ phân hay nước tiểu ra ngoài cửa sổ.
Việc này rất phổ biến, cho đến khi hệ thống dẫn nước xuất hiện vào thế kỷ 19.
Sau khi hệ thống thoát nước được lắp đặt tại châu Âu, số ca tử vong vì dịch tả và thương hàn cũng giảm đi nhanh chóng. Hóa ra nguyên nhân cũng là vì con người ta trước kia thường xả thẳng ra nguồn nước, gây ô nhiễm và nguy hại cho sức khỏe. Nghe thì có vẻ là chuyện đương nhiên, nhưng các nhà khoa học đã phải mất khá lâu để hiểu được chuyện này.
Người đầu tiên phát hiện ra nó là Tiến sĩ John Snow. Tiến sĩ Snow tìm ra nguồn cơn nhiễm bệnh tại London là do một bể chất thải gần khu dân cư bị rò rỉ vào giếng ăn.