Theo đó, lộ trình triển khai tiêm vaccine dự kiến bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vaccine, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022.
Theo UBND TP, dự kiến số lượng trẻ cần tiêm tại TP.HCM là 898.537 trẻ, trong đó có 885.739 trẻ đi học.
Đối với trẻ đi học: Tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Đối với trẻ không đi học: Tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định.
Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện: Tổ chức tiêm vaccine ngay tại bệnh viện, kể cả trẻ cư trú tại tỉnh, thành khác.
UBND TP cũng yêu cầu, khi tổ chức tiêm chủng, đảm bảo yêu cầu giãn cách, bố trí khu vực chờ cho phụ huynh… Bố trí số lượng trẻ được tiêm trong ngày phù hợp; bảo đảm thông tin và kết quả tiêm của trẻ phải được cập nhật đầy đủ lên "Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19" và cuối mỗi ngày cần rà soát, thống kê số lượng trẻ chua đến tiêm để lên lịch tổ chức tiêm kịp thời.
Cùng với ban hành kế hoạch tiêm chủng, UBND TP cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan. Trong đó Sở GD-ĐT TP có trách nhiệm rà soát, lập danh sách học sinh trong độ tuổi quy định, thống kê số liệu đồng thuận theo trường học tại mỗi phường, xã, thị trấn…
Trước đó, tại cuộc họp báo về phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/3, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh đối với việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, ở bậc mầm non là 60,49%, bậc tiểu học là 81,19%, bậc THCS (lớp 6) là 87,68%
Trước thông tin về biến thể mới XE của virus SARS-CoV-2, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn theo dõi sát các giải trình tự gene, hiện nay chưa phát hiện biến thể XE tại TP.HCM.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1/4 đã công bố một số kết quả nghiên cứu sơ bộ về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng lây lan nhanh hơn cả biến thể Omicron.
Theo đó, biến thể mới có tên XE, là một dạng biến thể tái tổ hợp - kết hợp của chính các biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron. Biến thể tái tổ hợp xuất hiện khi một người nhiễm cùng lúc 2 hoặc 3 biến thể của virus, tạo điều kiện cho các vật chất di truyền của các biến thể pha trộn trong cơ thể người bệnh.