Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chuyên gia đào tạo kỹ năng Lê Công Năng bày tỏ: "Đây là thời điểm nền giáo dục, nhà trường, phụ huynh cần nhìn lại, dành thời gian cho việc chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh".
Những nguyên nhân sâu xa
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội thì phân tích: "Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng dường như giới trẻ hiện nay ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online khiến họ ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa. Thanh thiếu niên cũng ít thời gian ngủ hơn, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do không có kỹ năng xã hội và không có bạn bè trong cuộc sống thực nên không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc.
Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, bắt nạt trên mạng hay bị tiêm nhiễm các ý tưởng thù địch, các tự hại bản thân và tự sát từ các trang web hướng dẫn tự sát. Sự biến đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn vị thành niên cũng là một giai đoạn nhạy cảm dễ tổn thương ở những người trẻ. Trong giai đoạn này, sợi dây ràng buộc với gia đình trở nên giãn ra. Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng sâu sắc hơn nên thích tranh cãi, phản kháng người lớn, khi phát hiện ra những khiếm khuyết của cha mẹ, những điều cha mẹ nói và làm không thống nhất khiến các em dễ trở nên thất vọng, chán chường.
Nhu cầu giao lưu kết bạn của lứa tuổi, muốn được bạn bè cùng trang lứa chấp nhận và tán thưởng ngày càng lớn nên khi bị tước mất các mối quan hệ, bị tẩy chay sẽ dễ dàng tìm đến cái chết vì không thể chấp nhận cuộc sống cô đơn, tách biệt khỏi nhóm. Sự nhạy cảm quá mức với cái được gọi là thể diện cũng khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống chứ không chịu chấp nhận sự chối bỏ và chê bai của người khác. Chính vì vậy, một em học sinh được mọi người gắn nhãn là học giỏi, kỳ vọng, sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường.
Những áp lực xã hội mà đặc biệt là áp lực học tập cũng thường được đề cập như một yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát. Có những học sinh sau khi được cứu đã tâm sự rằng tự tử là con đường cuối cùng để em phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập cũng như lịch học chính, học thêm dày đặc mà cha mẹ dành cho em. Về khía cạnh tâm lý, những học sinh tự sát thường có niềm tin sai lệch thúc đẩy những hành động tiêu cực. Đối với một số em, thế giới được nhìn nhận hoặc là toàn màu đen, hoặc là toàn mầu hồng.
Một sự kiện dù tốt đến mấy nhưng sau khi bị các em phát hiện ra một khiếm khuyết sẽ trở thành một sự kiện xấu xa, tồi tệ. Lúc này, niềm tin của các em sụp đổ, hoang mang, không biết nên tin vào cái gì. Một số em khác lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như một tai họa lớn; khái quát hóa quá mức (chỉ vì bị một điểm 5 môn Toán và cho rằng mình không có khả năng học toán; chỉ vì một câu mắng của bố mẹ mà kết luận rằng bố mẹ chẳng yêu thương gì mình) hoặc là luôn tự ám thị mình sẽ không có khả năng chịu đựng được (không thể chịu nổi việc bị bạn bè chê cười, không chịu đựng được các bạn bỏ đi trước không đợi mình).
Tất cả những thời điểm như vậy rất dễ xảy ra những hành vi dại dột. Tự tử cũng thường xảy ra khi đứa trẻ không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy bản thân vô tích sự, vô giá trị. Không được định hướng mục tiêu cuộc đời, nhiều em đã tự dấn mình vào các trò chơi nguy hiểm (đua xe, đánh nhau), vào cờ bạc, vào các tệ nạn (rượu chè, ma túy) để khám phá ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều em còn tâm sự "khi càng gần với cái chết hơn, em mới cảm thấy cuộc sống này đáng giá". Nhưng càng quăng mình vào những hành động nguy cơ, đứa trẻ bị dính vào những mâu thuẫn mà bản thân không thể giải quyết được nên dùng cái chết để chạy trốn hoặc để trừng phạt mình".
Giải pháp là gì?
Chuyên gia đào tạo kỹ năng Lê Công Năng nêu vấn đề: Phụ huynh có nhận ra rằng, con trẻ thời đại này, dậy thì sớm hơn, thông minh hơn, phải cố gắng nhiều hơn trong sự ganh đua lớn hơn thế hệ trước?
Nếu bạn nghe thấy con bạn nói về việc muốn tìm đến cái chết, đừng ngăn con nói với thái độ nóng nảy, hãy bình tĩnh giúp con tháo gỡ "hòn đá tảng" trong lòng. Bởi sự quan tâm tâm, yêu thương đó sẽ giúp con được giải tỏa tâm lý, suy nghĩ tích cực hơn.
Khi có bệnh tâm lý trầm trọng, nạn nhân sẽ đưa ra những câu nói dạng cảnh báo như: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa " hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói"... hoặc nhiều câu nói khác có tính chất buông bỏ. Đi kèm những câu nói đó là những biểu hiện của bệnh trầm cảm như thay đổi lối sống hàng ngày, chán nản, thu mình, phàn nàn. Tiếp theo đó, nạn nhân sẽ có các hành động trả ơn bất thường, phân chia quà, hoặc viết – vẽ - xem – nói về cái chết, tự làm thương bản thân. Bố mẹ có đủ thời gian quan tâm đến con sẽ dễ dàng nhận thấy nhưng thay đổi tâm lý của con và có sự can thiệp cần thiết.
Theo chuyên gia Lê Công Năng, thực tế khi con có bệnh lý trầm trọng việc điều trị trở nên phức tạp, việc tốt nhất là bố mẹ giúp con có môi trường học tập hạnh phúc.
Bố mẹ cần tôn trọng con, bao gồm: Không gian riêng tư của con, sở thích của con, ước mơ của con, mối quan hệ bình thường của con và cả những giãi bài không đầu không cuối của con. Con không phải là phiên bản sửa lỗi của bố mẹ, hãy để con sống cuộc đời các con.
Bố mẹ cần giảm kỳ vọng, tập trung vào thế mạnh và đam mê của con. Không có bố mẹ hoàn hảo, đương nhiên không có người con hoàn hảo. Con không phải là món đồ trang sức của bố mẹ mà là tình yêu.
Bố mẹ cần đồng hành cùng con, chia sẻ và giúp con tháo gỡ các khó khăn, động viên con hoàn thành những thử thách trong cuộc sống. Nếu không có cô đơn, sẽ không có trầm cảm.
Bố mẹ nên bồi dưỡng sức khỏe tâm lý cho con, giúp con có tinh thần lạc quan, sống trách nhiệm và yêu thương. Những chuyến cắm trại gia đình, hoạt động từ thiện, du lịch cùng nhau giúp các con thêm yêu cuộc sống, trân trọng cuộc đời.
Bố mẹ nên cho con học các kỹ năng sống, bản lĩnh sống một cách tự nhiên thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, chương trình du lịch huấn luyện.
Nếu bố mẹ giao tiếp với con như là người trưởng thành, biết suy nghĩ thì con sẽ tự tin và trở thành hình mẫu đó. Nếu bố mẹ mãi coi con là trẻ con, bố mẹ sẽ luôn phải đuổi theo những thay đổi tâm lý của con.
Với nhà trường, việc tốt nhất nhà trường có thể làm là chủ trương xây dựng môi trường học tập: An toàn, lành mạnh, hứng khởi. Các thầy cô cần quan tâm công bằng với học sinh ưu tú và học sinh cá biệt. Thầy cô không chỉ trích cá nhân học sinh trước số đông. Phối hợp chặt chẽ và kịp thời thông báo với phụ huynh về những biểu hiện tâm lý bất thường của học sinh. Đồng thời, tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh giải tỏa áp lực học tập.