Chuyển động Nhà nông 5/4.
Xuất khẩu điều tăng mạnh gần 60% trong tháng 3
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 3, xuất khẩu điều ước đạt 40 nghìn tấn, tương đương 241 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng 60% về trị giá so với tháng 2, nhưng giảm 12% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I, xuất khẩu điều ước đạt 105 nghìn tấn, trị giá 630 triệu USD, giảm 7% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá điều xuất khẩu bình quân trong tháng 3 và quý I lần lượt ở mức 6.024 USD/tấn và 5.974 USD/tấn, ổn định so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang khiến nhu cầu nhập hàng từ các đối tác ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho biết lượng hạt điều của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nga ở mức thấp. Do vậy, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine không tác động nhiều đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Giá ớt tăng gấp 2 - 3 lần
Ghi nhận trong 2 ngày gần đây, giá ớt tại một số tỉnh như Bình Định, Gia Lai, Nghệ An... bất ngờ tăng lên gấp 3 lần so với thời điểm trước đó. Tại An Khê (Gia Lai), giá ớt được các vựa thu mua ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg; tại Nghệ An, giá ớt ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg. Theo một số thương lái, khu vực miền Trung có diện tích trồng ớt khá lớn, tuy nhiên thời tiết mưa bão gây ngập lụt mấy ngày gần đây khiến sản lượng thu hoạch bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó giá ớt xuống thấp trong một thời gian dài cũng khiến cho nhiều người chán nản không chăm sóc, làm giảm nguồn cung. Tuy nhiên, giá ớt tại khu vực phía nam như Đồng Tháp, Sóc Trăng vẫn ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Hà Nội: Cấp 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản an toàn và kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, Sở tiếp tục duy trì "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội". Tính đến hết quý I-2022, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.109 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản. Sở đã cấp 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống để người tiêu dùng lựa chọn. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với sở NN&PTNT thuộc 21 tỉnh, thành phố phía Bắc thực hiện tốt hoạt động của Ban điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho Hà Nội.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật đạt gần 1 tỷ USD
Theo Bộ NN& PTNT, hiện nay xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật có những chuyển biến tích cực. Đối với sản phẩm động vật, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đã đến với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch tới 7 quốc gia và đang đàm phán sang nhiều quốc gia; xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong đến 18 quốc gia; xuất khẩu thịt lợn đông lạnh, tổ yến, bột cá, lông vũ… cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã tạo điều kiện cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và mỗi năm xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành với các địa phương chuyển đổi số trong chăn nuôi; đẩy mạnh chăn nuôi gắn với chế biến để tăng năng suất và chất lượng xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương.