Tham gia đoàn thẩm định, về phía TP có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Dương Thị Hằng, Phó Ban Thi đua khen thưởng TP Đỗ Đức Thịnh , đại diện lãnh đạo Văn phòng – bộ phận thường trực Thi đua khen thưởng Hội Nông dân TP.
Về phía huyện Ba Vì, Đan Phượng có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân huyện và Phòng Nội vụ huyện.
Đến thăm mô hình nuôi gà an toàn sinh học của anh Ngô Trọng Hiển, hội viên nông dân xã Thụy An, huyện Ba Vì là một trong những tỷ phú nông dân trẻ địa phương.
Phấn khởi giới thiệu với đoàn công tác về mô hình nuôi gà an toàn sinh học, anh Hiển cho biết, anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2002, với số tiền vốn hạn hẹp, đàn gà vỏn vẹn chỉ có 200 con. Sau vài tháng nuôi gà, xuất bán ra thị trường đem lại lợi nhuận, anh tiếp tục mở rộng mô hình phát triển lên 500 con, rồi 1.000 con, 2.000 con… Đến nay, mô hình của anh đã mở rộng quy mô lên đến 6.000 con gồm cả gà trứng, gà thịt.
Với tổng diện tích trang trại 40.000m2, anh Hiển bố trí các khu ấp trứng, khu nuôi gà bố mẹ, khu nuôi gà thương phẩm riêng biệt một cách quy củ. Các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, uống nước tự động. Bên cạnh đó, trong chuồng có hệ thống quạt thông gió, men sinh học trộn vào thức ăn, chế phẩm sinh học độn chuồng đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.
Trung bình mỗi năm, gia đình anh cung cấp cho thị trường 60.000 con gà thương phẩm (tương đương 96 tấn), mỗi tháng xuất ra thị trường 12 vạn gà giống. Tổng doanh thu của trang trại khoảng 15 tỷ đồng/năm, trừ chi phí anh thu lãi 3 tỷ đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn thường xuyên phổ biến, kinh nghiệm, kỹ thuật cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn, hỗ trợ giúp đỡ các hộ về con giống. Trang trại nuôi gà của anh tạo công ăn việc làm cho 16 lao động với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Rời trang trại chăn nuôi gà Ba Vì, Đoàn thẩm định tiếp tục tới thăm mô hình sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao của chị Đặng Thị Cuối – hội viên nông dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Chị Cuối là một trong những điển hình nông dân 4.0 với mô hình trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao.
Chị Cuối cho biết: Dự án sản xuất rau hữu cơ hoàn toàn tự nhiên với phương châm "5 không": Không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen, đất trồng và nguồn nước đảm bảo nghiêm ngặt. Đồng thời, ứng dụng công nghệ nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt với tổng diện tích 46.292m2.
Để phục vụ công tác bảo quản và nâng cao chất lượng rau củ quả, bên cạnh một nhà lạnh quy mô 50m3, chị Cuối đã đầu tư thêm một nhà sơ chế diện tích 30m2. Hiện nay, sản phẩm của mô hình chị Đặng Thị Cuối được liên kết, tiêu thụ vào hệ thống siêu thị và thực phẩm sạch trên toàn TP.
Chị Cuối có 17 sản phẩm rau được TP.Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trung bình sản lượng hàng năm đạt từ 50 – 80 tấn rau củ quả các loại, cho doanh thu 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 750 triệu đồng/năm; hỗ trợ tạo công việc cho 20 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình được nhiều địa phương trong nước tới tham quan và học tập, đồng thời đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho các xã trong huyện và các huyện trong TP…tạo ra một sự lan tỏa trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân TP phát động.
Kết thúc buổi thẩm định, đồng chí Đỗ Đức Thịnh – Phó Ban Thi đua khen thưởng TP.Hà Nội đã đánh giá cao vai trò của các cấp Hội trong tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua của Hội và TP, trong đó trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều gương nông dân vươn lên làm giàu chính đáng trở thành những tỷ phú nông dân. Từ đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp TP.Hà Nội phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị, thông minh và thân thiện môi trường.
Phó Ban Thi đua khen thưởng TP.Hà Nội mong muốn trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát hiện, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân để kịp thời đề xuất khen thưởng, động viên, khích lệ hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh.