Dân Việt

Trọn tuổi thanh xuân bám trường ở Trạm Tấu

Phương Thuỳ - Hoàng Hữu 10/04/2022 10:48 GMT+7
Trên huyện vùng cao Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), có những thầy cô giáo dành trọn tuổi thanh xuân để bám bản, bám trường, gieo mầm con chữ, không nề hà vất vả.

20 năm vẫn vẹn nguyên tình yêu

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp, cô giáo Hoàng Thị Hạnh Nguyên (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Xà Hồ) lên nhận công tác tại điểm trường thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Ngày ấy, điểm trường tại bản Mông không điện, không đường chỉ là ngôi trường tạm, nắng hay mưa đều hắt vào trong, bàn ghế là những tấm ván gỗ xẻ tạm. Để lên được điểm trường, cô giáo trẻ phải leo núi khoảng 2 giờ.

Thân gái một mình giữa chốn rừng xanh núi đỏ, tiếng Mông không biết, cô Nguyên không nhớ nổi bao đêm thức trắng, bao đêm khóc sưng mắt vì sợ… Nhưng rồi, nhìn đám nhỏ vẫn ngày ngày đến lớp, cô lại nỗ lực học tiếng bản địa, bám bản, bám trường. Rồi trong những tháng ngày khó khăn đó, cô nên duyên cùng thầy giáo Lường Văn Hiệu.

Nhưng rồi, khi sáp nhập các điểm trường lẻ về bán trú, thầy Hiệu qua đời vì bạo bệnh, đúng dịp năm học mới năm 2011. Nén nước mắt, cô Nguyên tiếp tục sự nghiệp trồng người, về bán trú với đám trò nhỏ từ trên bản xuống. Mọi nếp ăn, nếp ngủ với chúng trắng như tờ giấy, cô lại cùng đồng nghiệp lăn lộn, rèn giũa các em.

gioto/ Trọn tuổi thanh xuân bám trường ở Trạm Tấu - Ảnh 1.

Điểm trường thôn Sán Trá, Trường Mầm non Sơn Ca. Ảnh: H.H

Nhưng rồi, khi sáp nhập các điểm trường lẻ về bán trú, thầy Hiệu qua đời vì bạo bệnh, đúng dịp năm học mới năm 2011. Nén nước mắt, cô Nguyên tiếp tục sự nghiệp trồng người, về bán trú với đám trò nhỏ từ trên bản xuống…

"Có những thời điểm tưởng như đã chạm đến đáy của sự kiên trì, chỉ muốn bỏ núi về với bố mẹ. Nhưng nghĩ đến khó khăn lắm mới được đứng trên bục giảng, nhìn đám trò nhỏ dù nghèo nhưng không nghỉ buổi học nào, vợ chồng tôi lại cố gắng bám trụ. Khi chồng tôi ốm nặng đã sát ngày khai trường, tôi động viên anh cố gắng để đi khai giảng với học sinh, anh chỉ cười. Rồi khai trường xong, anh đi cấp cứu. Và khi trên con đường qua điểm trường Tà Đằng, nơi anh gắn bó hết thời trai trẻ, anh trút hơi thở cuối cùng" - cô Nguyên không cầm nổi nước mắt.

20 năm làm cô giáo vùng cao, cả thanh xuân gửi chốn núi rừng Trạm Tấu, cô Nguyên vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề giáo. "Nhìn ngành giáo dục huyện thay đổi như hôm nay, tôi cảm thấy rất tự hào và phấn khởi vì trong đó có một phần góp sức nhỏ bé của những thầy cô giáo vùng cao như chúng tôi" - cô Nguyên chia sẻ thêm.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Bắc – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Xà Hồ chia sẻ: "Một đàn con hơn 800 đứa từ tiểu học đến THCS ăn ngủ tại trường 6 ngày/tuần, bé thì nhớ nhà khóc mếu, nay ốm mai đau, lớn thì sợ yêu sớm, nên thầy cô lúc nào cũng "hết pin" với chúng nó. Thầy cô trực trường 24/24 giờ, vừa dạy chữ vừa làm cha, làm mẹ, làm luôn cả bác sĩ. Dịch Covid-19, thầy cô còn kiêm luôn việc đưa cơm từ trường ra viện cho học sinh. Phụ huynh thấy con dương tính gửi luôn nhà trường chăm sóc vì sợ con về sẽ lây cho cả nhà. Nhiều lúc mệt mỏi, nhưng nhìn thấy học sinh quấn quýt, trưởng thành, thây cô lại mừng rơi nước mắt".

Niềm tin của phụ huynh, học sinh

gioto/ Trọn tuổi thanh xuân bám trường ở Trạm Tấu - Ảnh 3.

Cô giáo Lương Thị Sinh hướng dẫn các em phòng chống Covid-19. Ảnh: H.H

Cô giáo Lương Thị Sinh (Trường Mầm non Sơn Ca) đến nhận công tác tại Trạm Tấu từ những năm 2011. Do bậc mầm non không thể học bán trú, nên các cô giáo vẫn phải đi cắm bản tại điểm trường thôn Sán Trá, xã Bản Công.

Từ những năm 2011, tuy đường lên điểm trường đã thuận lợi, nhưng cũng chỉ vào những ngày nắng. Còn những ngày mưa, đường về Sán Trá không khác cái ruộng lầy, xe đi phải có người khiêng, người vác. Vượt lên mọi khó khăn, cô Sinh vẫn kiên trì bám bản, bám lớp.

"Giờ em chỉ mong nhất có đường bê tông về bản, để con đường đi lại gần hơn, để mưa gió đỡ khổ, chứ nhiều hôm mưa em khóc dọc đường. Nhưng dù khổ thì cũng không thể nghỉ được, bởi nếu nghỉ lại lỡ buổi học của các con" - cô giáo Lương Thị Sinh cho hay.

Chia sẻ với vất vả và công việc của các cô giáo, Đảng ủy xã Bản Công cùng các tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên phối hợp với nhà trường trong công tác tu sửa vật chất đầu năm học, vận động phụ huynh đón học sinh đúng giờ, tạo điều kiện cho thầy cô về trước khi trời tối…

Ông Giàng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Gửi con cho các cô rồi, phụ huynh yên tâm lên nương và chả biết giờ giấc, có lúc tối mịt mới về làm các cô không về sớm được. Do vậy, tôi thường yêu cầu trưởng các thôn bản tuyên truyền người dân đón con đúng giờ. Đồng bào Mông rất yêu quý và tin tưởng các cô giáo, nhờ có các cô cắm bản mà trẻ nhỏ được chăm sóc sức khỏe, được học tập tốt hơn".

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 39 điểm trường lẻ bậc mầm non, có 189 giáo viên và 3.339 học sinh mầm non, với tỷ lệ chuyên cần từ 98% trở lên. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư khang trang hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm trường lẻ chưa có đường bê tong đến nơi.

gioto/ Trọn tuổi thanh xuân bám trường ở Trạm Tấu - Ảnh 4.

Cô giáo Lương Thị Sinh trên con đường đến trường. Ảnh: H.H

Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Những đóng góp của các thầy cô giáo vùng cao, nhất là các cô giáo mầm non, là rất to lớn đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục huyện Trạm Tấu. Huyện đã có nhiều hình thức động viên, khen thưởng và có những đãi ngộ đối với các thầy cô giáo vùng cao.

Tuy nhiên, đặc thù giao thông vùng cao còn nhiều khó khăn. Huyện Trạm Tấu rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, tổ chức, cá nhân để xây dựng đường, các điểm trường lẻ khang trang hơn".