Trong 3 ngày đầu tháng 4/2022, sân bay Incheon lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã vượt qua con số đón 20.000 lượt khách/ ngày. (Ảnh: Getty)
Ngay trong 3 ngày đầu tháng Tư, sân bay quốc tế Incheon đã có tới 61.214 lượt chuyến bay đến và đi kết hợp. Đây là lần đầu tiên sân bay Incheon vượt qua con số đón 20.000 lượt khách/ngày kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020.
Tiếp đó Bộ Nội vụ Hàn Quốc hôm 6/4 thông báo kế hoạch từ tháng 5 sẽ tăng số chuyến bay quốc tế lên 100 chuyến/tháng đến Mỹ, châu Âu và các quốc gia miễn kiểm dịch khác. Động thái này báo hiệu sự trở lại của du lịch nước ngoài, đồng thời làm dấy lên "cơn sốt xuất ngoại" bởi rất nhiều người dân Hàn Quốc đang háo hức đi du lịch trở lại.
Khách du lịch Hàn Quốc chờ làm thủ tục check-in tại sân bay quốc tế Incheon hôm 6/4. (Ảnh: Yonhap)
Các tour du lịch nước ngoài hiện đang được tìm kiếm nhiều nhất, trở thành hoạt động nhộn nhịp nhất thời "hậu Covid-19", theo kết quả cuộc khảo sát do Corea Image Communication Institute (CICI - Viện truyền thông hình ảnh Corea) thực hiện từ ngày 21/3-4/4 và thông báo hôm 7/4.
Theo đó, trong số người được hỏi có 96% người nước ngoài và 86,5% người Hàn Quốc bày tỏ rằng: Hoạt động họ muốn thực hiện nhất là du lịch nước ngoài để "phục thù" cho thời gian hơn 2 năm phải hạn chế đi lại vì Covid-19.
"Chúng tôi đã thấy lượng đặt phòng du lịch trọn gói tăng 472%. Số người hỏi về du lịch quốc tế cũng tăng mạnh kể từ khi Chính phủ thông báo dỡ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine đầy đủ…" - ông Lee Yoon-woo của hãng Mode Tour cho biết.
Giới chức đảo Jeju hôm 6/4 thông báo, họ đang xúc tiến kế hoạch sớm khôi phục lại Visa waiver program (chương trình miễn thị thực) để thu hút khách du lịch quốc tế trở lại với điểm đến nổi tiếng này. (Ảnh: Korea Times)
Các chương trình mua sắm tại nhà trên TV cũng chứng kiến sự bùng phát "cơn sốt xuất ngoại". Theo Lotte Tour, chuyến du lịch trọn gói 10 ngày đến Bắc Âu của hãng với chi phí 6 triệu Won (4.924 USD) đã nhận được hơn 1.600 đơn đặt hàng trong vòng 70 phút, sau khi phát sóng trên kênh Hyundai Home Shopping. Kết quả này dẫn tới nguồn doanh thu 21 triệu USD - mức kỷ lục bán hàng với cả sản phẩm của hãng du lịch lẫn kênh truyền hình.
Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc đã giảm tới 85,1% do Covid-19, từ 28,71 triệu người năm 2019 xuống còn 4,27 triệu người năm 2020 và 1,22 triệu người năm 2021. Những tín hiệu tích cực mới đang khích lệ ngành du lịch Hàn Quốc với triển vọng sẽ dần phục hồi.
Trong số những điểm đến khám phá mới có thể cũng thu hút sự chú ý của một số khách du lịch nước ngoài, có một nơi khá "nhạy cảm" nay đang có diện mạo mới. Đó là Cheongnyangni 588 ở gần ga Cheongnyangni, thường được gọi là "Oh Pal Pal" (tiếng Hàn Quốc có nghĩa là 588, có thể là số hiệu của chuyến xe bus từng đi qua gần khu vực này).
Hình ảnh "khu đèn đỏ Oh Pal Pal" (Cheongnyangni 588) nhìn từ trên không, thời kỳ 2016-2017. (Ảnh: Kim In-su/ Korea Herald)
Cheongnyangni 588 từng là một "red light district" ("khu đèn đỏ") lớn ở Seoul, mà vào "thời kỳ hoàng kim" thời thập niên 1980 từng có tới 200 brothels (nhà chứa) và 500 "sex workers" (gái mại dâm). Hình ảnh điển hình của Cheongnyangni 588 là những phụ nữ ngồi bên trong cửa sổ các "gian hàng" hai bên đường, trang điểm dưới ánh đèn neon màu hồng để thu hút sự chú ý của khách qua đường.
Ảnh chụp năm 2016 cho thấy các brothels (nhà chứa) nằm dọc theo hẻm phố trong "khu đèn đỏ Oh Pal Pal" (Cheongnyangni 588). (Ảnh: Kim In-su/ Korea Herald)
khu đèn đỏ Oh Pal Pal" (Cheongnyangni 588) gần như bị xóa sổ vào năm 2004, khi Hàn Quốc thực thi chiến dịch truy quét tận gốc tệ nạn mại dâm theo một đạo luật mới toàn diện được ban hành. Đại đa số "sex workers" (gái mại dâm) sau đó phải rời khỏi các "khu đèn đỏ", số ít chuyển sang hình thức kinh doanh mới trá hình như tiệm cắt tóc, tiệm massage có cung cấp "dịch vụ sex".
Hình ảnh hẻm phố trong "khu đèn đỏ Oh Pal Pal" (Cheongnyangni 588) xưa (trái) và diện mạo mới hiện nay (phải). (Ảnh: Kim In-su/ Korea Herald)
Suốt một thập niên sau đó, "khu đèn đỏ Oh Pal Pal" (Cheongnyangni 588) vẫn tồn tại theo cách nào đó, nhưng hoạt động kinh doanh suy yếu. Tới năm 2014 chính quyền thành phố Seoul hoàn thiện kế hoạch tái phát triển khu vực này thành các khu chung cư và trung tâm mua sắm lớn.
Việc phá dỡ các brothels (nhà chứa) cũ diễn ra 2 năm sau đó và số "sex workers" (gái mại dâm) còn lại cũng đã chuyển đi hoàn toàn vào tháng 2/2018. Những công trình mới bắt đầu được xây dựng từ mùa Hè 2018.
Một khu "khu đèn đỏ" khác cũng ở Seoul được mệnh danh là "Miari Texas" vẫn cố trụ lại với lý do không chấp nhận bồi thường. Nhưng "Miari Texas" sẽ phải đối mặt với số phận tương tự trong thời gian tới (theo báo Korea Herald ngày 7/3). (Ảnh: JoongAng Ilbo)