Dân Việt

Kể chuyện làng: Cỗ làng

Hoa Lê 09/04/2022 07:00 GMT+7
Cỗ làng không giống tiệc ở thành phố ăn hết món này mới bày món khác. Mâm cỗ quê đầy ú ụ bao gồm các món từ khai vị đến tráng miệng được bày lên tất cả và bưng ra cùng một lượt.

Ở làng tôi từ ngày xửa ngày xưa, khi miếng ăn còn đeo bám ám ảnh đại đa số dân quê nghèo, thì nhắc tới đi ăn cỗ là một sự háo hức chờ đợi vô cùng. Chẳng cứ gì lũ trẻ con chúng tôi mà cả người lớn, tuy không nói ra nhưng cái sự hớn hở trong lòng hẳn không hề nhẹ.

Kể chuyện làng: Cỗ làng - Ảnh 1.

Phụ nữ là phụ bếp. Ảnh: NVCC

Cỗ làng lúc đó thật đơn giản. Nhà có đám thường mổ một con lợn vài chục cân, ai khấm khá hơn thì được một tạ là to lắm. Các món cỗ tất tần tật xoay quanh con lợn từ trong ra ngoài. Mâm cỗ bấy giờ chỉ có một đĩa thịt nạc, đĩa thịt rối nửa nạc nửa mỡ lẫn thịt thủ thái mỏng. Một đĩa xương sườn ram và cả đĩa lòng luộc. Rau củ xào với thịt rối, thêm đĩa nộm đu đủ hoặc su hào. Bát canh măng canh miến nấu xương và ngon nhất là canh chuối xanh nấu thịt ba chỉ, món này lúc nào cũng hết trước tiên. Thêm đĩa xôi thế là tươm tất một mâm cỗ quê.

Kể chuyện làng: Cỗ làng - Ảnh 2.

Cánh đàn ông vẫn là đầu bếp chính. Ảnh: NVCC

Nhà có đám thường bắc mấy cái bếp củi hoặc bếp than lớn ở góc sân góc vườn có bóng mát. Bà con họ hàng xúm vào giúp làm cỗ. Đầu bếp luôn là những người đàn ông khỏe mạnh nhanh nhẹn trổ tài xào nấu bên những cái nồi to tướng. Cánh phụ nữ chỉ có nấu nồi cơm và lăng xăng phụ bếp từ nhặt rau nhặt hành, gọt khoai củ các loại và quét dọn. Lũ trẻ con chúng tôi tung tăng vòng trong vòng ngoài, luôn bị lôi cuốn bởi những mùi xào nấu bay ra đầy quyến rũ. Và thích nhất là sán lại nơi các mẹ đang làm món nộm để thỉnh thoảng lại được giấm dúi cho mấy củ lạc rang hay miếng đu đủ hườm hườm thì sung sướng lắm, bỏ luôn vào miệng nhai rau ráu. Rồi háo hức xúm quanh chảo tóp mỡ tranh nhau nhặt từng miếng. Nhà đám bày cỗ thường thừa ra đống thịt mỡ phải rán lên để dành. Đây là điều chờ đợi nhất của bọn trẻ.

Ngày đó lũ trẻ luôn có một nhiệm vụ đặc biệt, ấy là đi mượn mâm cho đám. Từ chiều hôm trước chúng đã tung tăng xóm trên xóm dưới, vào hỏi mượn từng nhà để tha về cho đủ mấy chục cái mâm. Của nhà ai chưa có tên hoặc đã bị mờ thì lấy vôi trắng viết lại thật to vào mặt sau để xong đám còn biết đường mà mang trả. Khi nhỏ tôi cũng thích đi mượn mâm, tất nhiên là những đám mình có họ thôi. Lúc ăn cỗ ngồi mâm trẻ con xúm xít cả chục đứa. Đĩa thịt nửa nạc nửa mỡ rồi đĩa lòng cứ thi nhau gắp nhoay nhoáy chấm nước mắm mà xơi vài bát cơm ngon lành. Ăn xong, mỗi đứa được người lớn chia cho vài miếng thịt còn lại trên mâm gọi là lấy phần, xiên bằng những cái tăm hớn hở mang về. Chỉ thế thôi mà thấy đời bồng bềnh như trên cõi tiên.

Kể chuyện làng: Cỗ làng - Ảnh 3.

Mâm cỗ quê. Ảnh: NVCC

Cũng đã khá lâu rồi tôi mới có dịp được đắm chìm vào không khí cỗ bàn ở quê mình. Mặc dù bây giờ dịch vụ đặt cỗ phục vụ tận tình chu đáo nhưng nhiều nhà vẫn thích tự nấu lấy, vừa tiết kiệm chi phí lại ngon dù có hơi bận rộn. Trẻ con bây giờ cũng không còn phải đi mượn mâm nữa. Nhưng thật thú vị khi thấy các đầu bếp làm cỗ vẫn là cánh đàn ông trẻ khỏe nhanh nhẹn. Nhìn họ thoăn thoắt tay dao tay thớt rất chuyên nghiệp, thật đáng khâm phục. Cánh phụ nữ cũng vẫn chỉ phụ giúp loanh quanh như trước.

Lại nói về cỗ làng...

Thời gian về sau nhà đám cũng mổ lợn nhưng thịt được pha ra chế biến thành giò lụa thành chả, thịt rối thì gói giò xào và làm nem. Những thay đổi đó khiến mâm cỗ ngon và sang hơn. Đặc biệt vẫn thấy bát canh chuối xanh nấu thịt ba chỉ như một món truyền thống ở quê. Kinh tế không còn eo hẹp như trước nên cỗ bàn cũng theo xu thế mà tươm tất dần. Thịt gà thịt bò cùng với những món ngon khác cũng được đưa vào mâm cho chất lượng hơn.

Nói chung mâm cỗ làng tôi bây giờ, nhất là cỗ nấu lấy vừa chất lượng lại đầy đặn hấp dẫn không còn gì để nói. Thế nhưng cái sự háo hức được đi ăn cỗ như ngày xưa xem ra chẳng còn nữa. Cuộc sống đủ đầy no ấm, miếng ăn không còn thèm nhạt ám ảnh, thêm cái bệnh dư cân thừa chất nên nhắc tới đi ăn cỗ nhiều người còn sợ chết khiếp. Một mâm sáu người nếu là phụ nữ thì cũng không chắc ăn hết được một nửa. Phần còn lại các bà các mẹ chia nhau gọi là lấy phần về cho con cháu.

Kể chuyện làng: Cỗ làng - Ảnh 4.

Mâm cỗ quê với bát canh chuối truyền thống. Ảnh: NVCC

Cũng chẳng biết tự bao giờ ở các mâm phụ nữ, chủ nhà thường để thêm sáu cái túi ni lông nhỏ để tiện cho các mẹ gói phần. Mâm đàn ông và cánh thanh niên thì không có chuyện này, cứ vô tư mà đánh chén hết thì thôi. Còn các bà các mẹ đi ăn cỗ lấy phần thì gần như đã là truyền thống ở làng tôi.

Bản thân tôi không nghĩ chuyện này là không hay. Đây có lẽ là tính cách của đa số phụ nữ thôn quê, có ăn gì thì cũng không quên con quên cháu ở nhà, dù vẫn có những trường hợp vì lòng tham mà vơ vét thái quá thành ra không đẹp mắt.

Ngày xưa mâm cỗ còn đơn sơ, các bà các mẹ cũng đã chẳng nỡ nào ăn hết nữa là bây giờ. Còn nhớ mỗi khi bà tôi đi ăn cỗ về lại giúi cho cái bọc khăn mùi soa gói vài miếng thịt lấy phần thơm phức. Cảm giác sung sướng lâng lâng không thể tả nổi. Bây giờ đã có bọc ni lông sạch sẽ, các bà các mẹ ăn xong cứ thế mỗi người một bọc gói đầy những yêu thương. Thật hả lòng hả dạ mà gia chủ cũng phấn khởi vì đã được thể hiện chu đáo với khách. Không những thế, cỗ nhà đám tự nấu bao giờ cũng dư dả. Những nồi canh, đồ xào bày cỗ không hết luôn được gia chủ nhớ tới từng hoàn cảnh xóm gần xóm xa mà tận tình mang chia sớt, vừa khỏi lãng phí mà lại ấm áp tình làng nghĩa xóm. Tôi nhớ câu nói chân tình của một chị tật nguyền đau ốm quanh năm được nhà đám cho phần rằng: "Tôi ở nhà mà được ăn ngon hơn các bà đi ăn cỗ".

Thế đấy. Với những kẻ tha hương, cảm giác sum vầy đầm ấm bên mâm cỗ quê trĩu nặng tình thân có lẽ theo suốt trên những chặng đường nhọc nhằn bươn chải. Để rồi dẫu có đến khi tóc bạc da mồi vẫn luôn đau đáu mong những lần được trở về chốn yêu thương đầy ắp tình quê ấy.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!