Dân Việt

Cảnh sát mặc thường phục có quyền dừng xe vi phạm giao thông?

Theo Báo Giao thông 09/04/2022 18:49 GMT+7
Theo quy định, lực lượng công an được áp dụng biện pháp hóa trang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông và trấn áp tội phạm như thế nào?

Khi nào cảnh sát hóa trang được dừng xe?

Thời gian gần đây, trên đường phố Hà Nội và một số địa phương xuất hiện những nhóm người mặc thường phục, giơ thẻ ngành công an yêu cầu người vi phạm giao thông dừng xe để xử lý vi phạm. Vì vậy, nhiều bạn đọc thắc mắc, cảnh sát mặc thường phục có được dừng xe vi phạm giao thông?

Giải đáp băn khoăn này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an có quy định về việc cảnh sát được hóa trang là nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Việc này cũng nhằm đấu tranh phòng, tránh tội phạm và là một giải pháp khi tình hình an ninh, trật tự ATGT phức tạp. 

Khoản 3, điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định các điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định; Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Về thẩm quyền, việc cảnh sát hóa trang chỉ được thực hiện khi trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai.

Cảnh sát mặc thường phục có quyền dừng xe vi phạm giao thông? - Ảnh 2.

Cảnh sát mặc thường phục, đeo băng đỏ dừng xe của một thanh niên không đội MBH và yêu cầu mở cốp xe kiểm tra (Ảnh: Báo giao thông).

"Như vậy, cảnh sát được quyền mặc thường phục khi thực hiện các chuyên đề, phối hợp theo kế hoạch được cấp có chức năng phê duyệt. Khi thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát mặc thường phục phải phối hợp với lực lượng công khai và việc lập biên bản, xử lý phải do lực lượng công khai thực hiện", luật sư Cường cho hay.

Luật sư Cường ví dụ, mới đây, Công an TP Hà Nội áp dụng các tổ công tác đặc biệt cảnh sát 141 Công an TP Hà Nội gồm các lực lượng, CSGT, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động hóa trang đi bằng xe máy cá nhân trên đường để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông và tội phạm đường phố về đêm.

Khi các cảnh sát mặc thường phục dừng xe, thì đã thông báo với người vi phạm biết là tổ liên ngành, xuất trình thẻ cảnh sát để người vi phạm biết, đồng thời đưa về trụ sở công an phường địa bàn để tiến hành lập biên bản xử lý theo qui định chứ không xử phạt tại chỗ.

"Việc cảnh sát Hà Nội hóa trang và tham gia xử lý như vậy là đúng quy định pháp luật", luật sư Cường nhìn nhận.

Để tránh cảnh sát mạo danh, người dân cần nhận biết như thế nào?

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, lường trước việc khi công an thực hiện hoạt động nghiệp vụ hóa trang giống như nhiều người dân, tội phạm sẽ bắt chước, sắm đồ để mạo danh, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân khi lưu thông trên đường vào ban đêm nhận biết: Cán bộ Tổ công tác 141 làm nhiệm vụ bao giờ cũng có dấu hiệu nhận biết riêng như đeo băng đỏ ghi rõ chữ 141 in đậm.

Khi phát hiện vi phạm, bao giờ cảnh sát cũng trình thẻ ngành, giới thiệu bản thân, thông báo lỗi để người vi phạm nhận biết, hợp tác.

Trong kế hoạch hoạt động phải có sự phối hợp cùng công an phường sở tại, để sau khi nhận bàn giao đối tượng, tang vật vi phạm, đơn vị tiếp tục xác minh, xử lý theo quy trình, chứ không lập biên bản và xử lý vi phạm ngoài đường.