Dân Việt

Bài toán nào giải quyết hiện tượng ồ ạt rút BHXH một lần?

Bạch Dương 14/04/2022 06:30 GMT+7
Chỉ 3 tháng đầu năm 2022, toàn TP.HCM đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù Giám đốc BHXH TP.HCM lên tiếng cảnh báo không nên nhưng người dân vẫn đổ xô đi rút.
Bài toán nào giải quyết hiện tượng ồ ạt rút BHXH một lần? - Ảnh 1.

Người dân đổ xô đi làm thủ tục rút BHXH một lần. Ảnh: P.V

 1001 lý do

Có mặt ở BHXH TP.Thủ Đức (TP.HCM) để làm thủ tục nhận BHXH một lần, chị Thiên Tâm (34 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết mong rút khoản tiền BHXH đã đóng trong hơn 6 năm làm việc để trả nợ, có tiền gửi con đi học.

"Nếu rút được 47 triệu, tôi phải trả nợ. Suốt 2 năm dịch thất nghiệp, nuôi 2 đứa con nhỏ, vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi, giờ phải xoay để trả họ", chị Tâm nói và cho biết thêm, hiện chị đang làm thời vụ để chờ lãnh BHXH một lần vì theo quy định sau 12 tháng không có việc làm mới có thể lãnh được.

Với những người lao động như chị Tâm, việc đóng 400.000 đồng BHXH mỗi tháng là một khoản tiền đáng kể nên cho dù biết không đóng BHXH cũng là không có BHYT, chị vẫn phải chấp nhận.

Tương tự như chị Tâm, anh Nguyễn Văn Lê (46 tuổi, quê An Giang) cũng đang làm thủ tục rút BHXH một lần để lấy tiền về quê. Anh vốn là lao động tự do, mới vào làm công ty được 3 năm nay nhưng dịch giã liên miên, công ty ít việc nên trả lương rất thấp. Anh quyết định nghỉ việc, dự tính rút được hơn 20 triệu về quê làm vốn rồi tính tiếp.

Không chỉ có công nhân, khá nhiều nhân viên hành chính, văn phòng cũng đi rút BHXH một lần, có người hơn 15 năm, có người 20 năm. Một số người quyết định rút để có khoản tiền kinh doanh riêng, một số người không yên tâm về chế độ an sinh xã hội trong khi tuổi nghỉ hưu càng bị kéo dài, đóng tiếp bảo hiểm thất nghiệp chỉ được hỗ trợ tối đa 12 tháng.

Chị Hoàng Anh (quê Long An) cho biết: "Tôi đã tham gia BHXH được 17,5 năm. Khi tôi nghỉ việc, một số bạn bè khuyên nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để sau này nhận lương hưu. Tôi đang thất nghiệp nên khó có khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Với khoản trợ cấp BHXH một lần, tôi có ít vốn để buôn bán kiếm tiền nuôi con".

Thiệt thòi cho người lao động

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, thời điểm sau Tết, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 3 và tháng 4/2022, lượng người từ các tỉnh thành tới TP.HCM tìm việc làm rất lớn. Không xin hoặc chưa xin được việc làm khiến đời sống của đại bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn, đó cũng là lúc họ nghĩ đến việc rút sổ BHXH. Mặc dù tích cực tuyên truyền nhưng người dân vẫn đổ xô đi rút sổ.

Đến hết 31/3, BHXH TP.HCM ghi nhận có 37.000 người rút BHXH. Đây là con số kỷ lục, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 19%, tập trung đông ở các quận huyện vùng ven có nhiều lao động ngoại tỉnh như TP.Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12... Bình quân người rút BHXH được hưởng 50-60 triệu đồng, có người cao lên tới khoảng 300 triệu đồng, chỉ một số trường hợp cá biệt là khoảng 500 triệu đồng.

Theo ông Mến, việc rút BHXH 1 lần không mang đến lợi ích gì cả, mà chỉ có thiệt cho người lao động. Bình quân một người một năm phải đóng tiền BHXH lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH 1 lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động.

Bài toán nào giải quyết hiện tượng ồ ạt rút BHXH một lần? - Ảnh 3.

Hết tháng 3, TP.HCM có 37.000 người rút BHXH. Ảnh: P.V

Ngoài ra, rút tiền BHXH sẽ đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Tức sau này không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.

Để giải quyết bài toán khó này, theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban chính sách - pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần tạo niềm tin cho người lao động với các chính sách như hưu trí, tử tuất, BHYT... song song với nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm; có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ tránh doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động...

Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân nhận định vấn đề cốt lõi là tuyên truyền, thuyết phục người lao động về tầm quan trọng của việc mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy. Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi BHXH như hưu trí, tử tuất... thì sẽ tạo niềm tin, an tâm đóng BHXH.