Đại Việt Sử Ký Toàn Thư quyển VII có chép:
Tháng 12, năm Bính Thìn (1376) vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư…. Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân.
Trước đây, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hoá Châu. Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng vua. Tử Bình ỉm đi, cướp là của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ, quan quân đến cửa biển Di Luân (thuộc Quảng Bình), các quân vượt biển mà tiến. Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân lại, tập luyện một tháng.
Năm Đinh Tỵ (1377) mùa xuân tháng Giêng, ngày 23 đại quân tiến cửa Thị Nại (cảng Quy Nhơn, Bình Định) rồi đóng quân ở động Ỷ Mang.
Chế Bồng Nga dựng trại bên ngoài thành Đồ Bàn.
Ngày 24 vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kịp truyền lệnh tiến quân.
Đại tướng Đỗ Lễ can.
Vua nói:
Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân cũng có nói : "Dùng binh qúy ở thần tốc". Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp…
Con tuấn mã mà vua Trần Duệ Tông cưỡi khi tiến công Thành Đồ Bàn của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga là một con tuấn mã kỳ vĩ cực kỳ hiếm có. Kể cho đến bây giờ chưa chắc một nhà nghiên cứu mã học được nhìn thấy một con thứ hai.
Trong các chữ đặc thù dùng để chỉ màu sắc, hình dáng hay đặc tính của loài ngựa thời xưa của nước ta cũng như Trung Quốc thì có một số chữ chính sau đây:
Mã, Thố, Câu, cũng có khi gọi là Long nói chung để chỉ về ngựa.
Tuấn: là ngựa hay, chạy nhanh, khỏe dẻo dai.
Kỳ Ký là ngựa lạ quý hiếm, ngựa thiên lý (Vua Trần Nhân Tông đã từng ví Đỗ Khắc Chung là: Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế? ĐVSKTT trang 52).
Đề là móng chân thú (Thiện Lương Đề của vua Thiệu Trị ).
Xích là sắc lông màu đỏ (con Xích Thố là một món quà tặng của Tào Tháo cho Quan Công ).
Ô, Ly là ngựa có sắc sắc lông màu đen (con Ô Trung cũa Hạng Võ).
Phiêu là ngựa có sắc lông xanh trắng (Phiêu Kỵ tướng quân).
Lạc là ngựa vằn (Lạc mã thiên lý vương).
Tinh là ngựa hồng (Song vĩ Tinh còn gọi là Song vĩ hồng – Con ngựa hồng hai đuôi của Lý Thường Kiệt).
Nê là dùng để chỉ lông con ngựa có hai màu: Màu Trắng và màu đen.
Thông là dùng để mô tả sắc lông ngựa màu xanh (như con Nhàn Lương Thông, trong truyện Ngũ Thông Thần trong Liêu Trai Chí Dị trang 380. Truyện cho rằng thịt của loại ngựa này ăn ngon gấp bội lần loại khác)…
Như vậy con ngựa của vua Duệ Tông quả là một con tuấn mã cực kỳ hiếm hoi, màu sắc lông của nó là một sự pha trộn màu sắc thật kỳ diệu của ba màu trắng, đen và xanh, một sự đột biến, một bản giao hưởng của thiên nhiên. Tuy vậy, nó đã cùng tử nạn cùng vua Trần Duệ Tông tại trận Đồ Bàn.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép tiếp :
Quân lính người ngựa bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá. Tiền quân và hậu quân hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ quan quân tan vỡ, vua bị hãm trong trận mà chết. Bọn đại tướng như Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, Phạm Huyền Linh đều chết cả. Giặc bắt sống đuợc Ngự Câu vương… Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân không đến cứu nên thoát chết. Lê Quý Ly dốc quân chở lương, nghe tin vua băng, bỏ trốn về nước.
Vua Duệ Tông thua vì chủ quan khinh địch, và cũng vì sỉ nhục một đại tướng quân như Đỗ Lễ.