Vào cuối thời nhà Thanh, con gái thuộc Bát Kỳ tham gia tuyển tú ở độ tuổi khá sớm, trung bình là 13 tuổi. Người thời xưa có tuổi đời khá ngắn, vì vậy đây là độ tuổi thích hợp nhất để kết hôn, lập gia đình.
Cơ hội được trở thành phi tần của hoàng đế rất ít, bởi không những yêu cầu gia đình xuất thân cao quý, mà ngoại hình cũng phải nổi bật hơn người. Nhưng vào được hoàng cung cũng chẳng thể đảm bảo có được yêu thương từ hoàng đế, phần nhiều trong số họ phải chôn chân trong cung, cô độc suốt đời.
Trong thời phong kiến, các đại thần, quan lại vì muốn rạng danh gia tộc nên đã tìm nhiều cách để đưa con gái vào trong cung làm phi tần. Tuy nhiên, có nhiều câu chuyện bi thương về những cô gái gả vào hoàng cung, nhưng cả đời không được hoàng thượng sủng ái, chết già trong sự cô đơn lạnh lẽo.
Tấn Quý nhân, một vị phi tần của Càn Long chính là một minh chứng. Vào cung năm 16 tuổi, gả cho Càn Long khi ấy đã 88 tuổi, hơn nàng tận 72 tuổi. Nhờ có ngoại hình thanh tao nổi bật trong buổi tuyển tú nên nàng đã được hoàng đế Gia Khánh đem tặng cho Càn Long, lúc này đã là Thái Thượng hoàng.
Tấn Quý nhân là người Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, xuất thân từ dòng họ Phú Sát thị, gia cảnh giàu có, thuộc cùng một họ với Phú Sát Hoàng hậu thời Càn Long. Nhìn về vai vế trong gia tộc, Tấn Quý nhân được coi là cháu gái của vị hoàng hậu này.
Biết Càn Long có tình cảm đặc biệt với Phú Sát Hoàng hậu, vì vậy, để làm vừa lòng cha mình, Gia Khánh đã dâng tặng Tấn Quý nhân cho Càn Long. Bấy giờ Càn Long đương nhiên vui vẻ đồng ý, còn khen thưởng Gia Khánh có tấm lòng hiếu thuận.
Mặc dù Tấn Quý nhân có xuất thân cao quý, lại cùng một gia tộc với Phú Sát Hoàng hậu, nhưng vì tuổi tác cách biệt quá lớn nên luôn bị Càn Long hờ hững. Tấn Quý nhân gả cho Càn Long năm ông đã 88 tuổi, qua đời năm 89 tuổi, nên việc mỹ nhân này không được ân sủng là chuyện có thể hiểu được.
Đến thời Gia Khánh, trong cung không lưu lại nhiều ghi chép về vị Tấn Quý nhân này, có thể nhìn ra Gia Khánh cũng không có tình ý gì với vị phi tần này. Tấn Quý nhân chỉ có thể âm thầm làm một vị phi tần nhỏ bé giữa hậu cung rộng lớn.
Gia Khánh băng hà, đến lượt Đạo Quang lên ngôi. Bởi vì Càn Long là tổ phụ của Đạo Quang, nên lúc này Tấn Quý nhân trở thành người phụ nữ có địa vị cao nhất cả hậu cung, là phi tần duy nhất còn sống từ thời Càn Long. Để làm tròn chữ hiếu và giữ thể diện với người đời, Đạo Quang hạ lệnh phong Tấn Quý nhân thành Hoàng tổ Tấn Phi.
Tấn Quý nhân tận hưởng vinh hoa phú quý không được bao lâu, ngay sau khi được phong làm Tấn phi vài ngày, qua một trận ốm nặng liền qua đời vào năm Đạo Quang thứ 2 (năm 1825), kết thúc những năm tháng không được sủng ái, không con, không cháu đến tận cuối đời.