Chỉ còn ít tháng nữa kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ chính thức bắt đầu. Mới đây, Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, áp dụng từ năm 2022 với nhiều điều chỉnh so với quy chế năm 2021. Trong đó có 7 điểm mới được điều chỉnh đang được các thí sinh quan tâm và lo lắng.
Chia sẻ với PV, PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết: "Trước hết, cần khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định, phát huy những ưu điểm, những thành công đã đạt được từ công tác tuyển sinh những năm vừa qua. Quy chế tuyển sinh chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật".
Liên quan đến vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3) có bị thiệt thòi hay không, PGS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: "Quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng (đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển đại học, cao đẳng), bởi các thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu.
Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó) phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học. Tóm lại, với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần, như vậy là công bằng cho mọi thí sinh".
Trong tuyển sinh năm 2022, PGS Nguyễn Thu Thủy đưa ra những lưu ý sau: Những điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh vừa tiếp tục phát huy những ưu điểm, những thành công trong tuyển sinh những năm qua đồng thời khắc phục tối đa những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại của các năm trước. Thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi và chủ động hơn với các quy định mới.
Trước hết, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương án trực tuyến, có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất, thí sinh có khoảng thời gian đủ dài để đăng ký xét tuyển và điều chỉnh các nội dung về nguyện vọng sau khi đã biết đủ các thông tin cần thiết.
Thí sinh cần lưu ý phải chịu trách nhiệm về thông tin đăng ký, và phải chú ý thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi và xét tuyển tại Cổng thông tin tuyển sinh hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia (Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho thí sinh).
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần chú ý việc phải đăng ký thông tin theo quy định của cơ sở đào tạo theo các phương thức tuyển sinh tại cơ sở đào tạo mà mình lựa chọn (nếu cơ sở đào tạo có yêu cầu riêng).
Thí sinh được đảm bảo công bằng tối đa, đảm bảo cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng, không bị "chiếm chỗ" mất cơ hội bởi các thí sinh ảo khác. Thí sinh không phải chịu áp lực buộc phải xác nhận nhập học trước như theo quy định trước đây của một số trường đồng thời, các trường cũng hạn chế được tối đa số thí sinh ảo, ra được các quyết định chính xác nhất trong công tác tuyển sinh.
Việc điều chỉnh, bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh… của các trường có căn cứ và lộ trình hợp lý, để các thí sinh an tâm trong việc học tập, ôn luyện, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành yêu thích. Điều này cũng đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, và minh bạch với xã hội.
Cơ sở dữ liệu ngành với thông tin về học bạ điện tử được đồng bộ hóa trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính. Trong trường hợp các trường tổ chức xét tuyển dựa trên học bạ theo kế hoạch chung của Bộ, thí sinh đăng ký xét tuyển nộp hồ sơ vào nhiều trường khác nhau thì cũng không cần phải thực hiện công chứng hoặc lấy xác nhận kết quả và hồ sơ học tập từ phía các trường THPT như trước đây. Điều này giảm áp lực cho các trường THPT, giảm bớt chi phí, công sức và các thủ tục liên quan.
Việc các trường quy định rõ phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh và phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo, đồng thời công bố công khai trong đề án tuyển sinh của mình là các thông tin cần thiết đối với thí sinh để biết trước phương án, quy định, quy trình xử lý trong tuyển sinh khi gặp tình huống rủi ro xảy ra.