Dân Việt

Giáo viên đề xuất cho "tương lai" của môn Lịch sử bậc THPT

Tào Nga 19/04/2022 09:09 GMT+7
Giáo viên đón nhận thông tin Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn ở bậc THPT với nhiều cảm xúc đan xen.

Từ năm học 2022- 2023, Bộ GDĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trong đó chương trình cấp THPT được đặc biệt quan tâm khi có nhiều điểm mới đáng chú ý. Thay vì học 17 môn, học sinh sẽ học 12 môn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.

Cụ thể, học sinh phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Theo đó, Lịch sử sẽ là 1 trong 3 môn thuộc nhóm khoa học xã hội và học sinh được lựa chọn học hoặc không học. Tuy nhiên, thông tin này đã gây ra luồng tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận. Với giáo viên, đây là một thông tin được đón nhận với nhiều cảm xúc khác nhau.

Đề xuất cho "tương lai" của môn Lịch sử bậc THPT - Ảnh 1.

Sách Lịch sử 10 sẽ được áp dụng trong năm học 2022-2023. Ảnh: Tào Nga

Lịch sử có nên là môn học lựa chọn?

Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử, Trường liên cấp Đông Bắc Ga, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Xưa nay học sinh vốn ngại học Lịch sử, bây giờ Bộ GDĐT lại tiếp tục đưa môn học này thành môn học tự chọn trong tổ hợp 3 môn không khác nào "khai tử" môn Lịch sử? Việc đưa môn Lịch sử tích hợp với môn Địa lý, Giáo dục công dân ở cấp tiểu học, THCS và đưa thành môn tự chọn ở cấp THPT chính là việc tạo ra "điều kiện" và "tư tưởng" để học sinh và phụ huynh loại môn học này ra khỏi chương trình của bản thân".

"Học sinh chọn học Lịch sử sẽ phân thành 3 dạng chủ yếu: Học vì đam mê với bộ môn, học vì trong tổ hợp thi có môn này và học vì không thể học nổi các môn tự nhiên. Bản thân là một giáo viên dạy Lịch sử, tôi hoàn toàn lo ngại và có cơ sở để lo ngại việc học sinh sẽ không chọn môn học này. Thực tế bây giờ, học sinh lựa chọn chính là phụ huynh lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho con, bắt con học khối này khối kia và tất nhiên họ sẽ gần như không chọn Lịch sử", thầy Hiển bày tỏ.

Thầy Phạm Thành Công, giáo viên môn Lịch sử, Trường Tiểu học & THCS Hà Nội - Thăng Long, Hà Nội bày tỏ: "Môn Lịch sử có thể nói là một trong những môn học khiến cho học sinh rất "sợ". Nguyên nhân thì vô vàn: kiến thức nặng, nhiều sự kiện khó nhớ, phương pháp dạy thầy/ cô khô khan, xu thế thời đại... vì thế khiến học sinh rất ngại học và thi Lịch sử.

Theo công bố mới đây của Bộ GDĐT, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn. Bản thân là giáo viên dạy môn Lịch sử, tôi rất trăn trở, lo lắng về điều này. Rồi môn Lịch sử sẽ đi về đâu? Thầy cô giáo dạy Lịch sử sẽ thế nào?...

Việc "mất gốc" nếu không học Lịch sử ở cấp THPT còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Vì học sinh đã được học thông sử trong chương trình THCS, lên THPT các em sẽ học sâu hơn theo phương pháp "vòng tròn đồng tâm". Nếu học sinh đảm bảo việc học ở cấp THCS thì các em cũng nắm được kiến thức cơ bản môn Lịch sử rồi. Chỉ sợ học sinh học ở THCS không chịu học, rồi lên THPT môn học lại trở thành môn tự chọn (không bắt buộc) thì việc "mất gốc" có thể sẽ bị xảy ra".

Là người quan tâm đến giáo dục nước nhà, Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con vượt qua các kỳ thi" cho rằng: "Môn Lịch sử nằm trong tổ hợp khoa học xã hội, bên cạnh các tổ hợp khoa học tự nhiên và công nghệ-nghệ thuật. Đây là điểm mới bắt đầu từ năm học 2022-2023 trong chương trình GDPT mới. Tuy nhiên với thực tế hiện nay nhiều học sinh chán, thậm chí là sợ học môn Lịch sử thì điều này về lâu dài không hẳn có lợi. Môn Lịch sử giúp học sinh có kiến thức và tư duy tốt hơn, sẽ là thiệt thòi khi học sinh bỏ qua môn học quan trọng đó ở bậc THPT. Bởi lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Dân ta phải biết sử ta...", sự đứt gãy về kiến thức môn Lịch sử, chắc chắn là bước thụt lùi của học sinh".

Đề xuất cho "tương lai" của môn Lịch sử 

Mặc dù có nhiều người cho rằng môn Lịch sử phải là môn bắt buộc nhưng cũng có những ý kiến khác về môn học này. TS. Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự bày tỏ: "Theo tôi được biết, trong thiết kế của Chương trình GDPT mới, những kiến thức lịch sử cần thiết cho một công dân bình thường đã được dạy ở cấp 1 và cấp 2. Vì vậy, lên cấp 3 việc Lịch sử trở thành môn tự chọn có thể hiểu được vì ở cấp học này, các em cần được chú trọng vào việc hướng nghiệp. Các em vẫn có thể lựa chọn lịch sử nếu nó cần thiết và phù hợp với định hướng nghề nghiệp".

TS. Lê Thị Thu Hương, giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội (từng là giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) nói: "Theo tôi, môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn ở THPT thì phải đặt ra hai vấn đề.

Thứ nhất, thật sự lo ngại nếu số lượng đông học sinh không lựa chọn môn Lịch sử. Khi không học thì các em sẽ ít quan tâm đến lịch sử. 

Thứ hai, điều này đặt ra cho giáo viên dạy môn Lịch sử ở các cấp học là phải dạy như thế nào để hấp dẫn học sinh, cần phải thay đổi phương pháp dạy từ cấp học dưới thì lên THPT các em mới lựa chọn học Lịch sử. Đối với giáo viên cấp THPT cũng cần phải thay đổi phương pháp dạy để giữ được niềm đam mê lịch sử trong học sinh, tránh việc đã trót lựa chọn rồi lại không muốn học".

TS Hương nhận xét: "Thời gian qua, môn Lịch sử đã có nhiều đổi mới trong việc dạy và học. Tuy nhiên, cần thay đổi quan điểm môn chính, môn phụ trong nhà trường và phụ huynh. Cần đổi mới hơn nữa hình thức dạy và học môn Lịch sử, cho học sinh đi dã ngoại học thực tế nhiều hơn. Bên cạnh đó, các khối thi tăng cường các tổ hợp trong đó có môn Lịch sử để chọn vào các trường đại học top trên. Đây sẽ là cách để các em thêm yêu thích và lựa chọn môn Lịch sử".

Hiện nay, các trường THPT đang chuẩn bị phương án riêng khi áp dụng Chương trình GDPT mới trong năm học tới. Bà Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội cho biết, khi triển khai chương trình mới, có thể đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ. Do đó, nhà trường dự kiến đưa ra các tổ hợp, tư vấn giúp học sinh lựa chọn tổ hợp tối ưu nhất. Nhà trường chuẩn bị sẵn sàng đón nhận chương trình GDPT mới, phổ biến tất cả giáo viên tổ chuyên môn.

Ông Tạ Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong, Hà Nội, thông tin: Nhà trường đã tổ chức nghiên cứu chương trình khung để nắm bắt định hướng tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc lựa chọn tổ hợp, cùng với đó đánh giá đội ngũ giáo viên của nhà trường để xây dựng môn tổ hợp. Khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thăm dò nguyện vọng của học sinh theo các ban. Hướng của nhà trường là liên kết, trao đổi với các trường trong huyện để sử dụng trao đổi giáo viên.