Dân Việt

Nghịch lý kỳ lạ của HAGL

Văn Nhân 19/04/2022 13:10 GMT+7
CLB HAGL không cần thắng vẫn được khán giả yêu và sướng, đó là một nghịch lý "không đụng hàng" với bất kỳ CLB nào ở Việt Nam.

Những điều kỳ lạ sau trận HAGL thua Yokohama

Tối 16/4, tôi đã hỏi gần 30 khán giả ở sân Thống Nhất về HAGL. Sở dĩ, tôi phải hỏi nhiều như thế vì cố tìm ra một đáp án khác, khi tất cả cùng cho một câu trả lời: HAGL đá thua Yokohama nhưng họ vẫn sướng và vui.

Thậm chí, nhiều người đi từ Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... lên TP.HCM chứng kiến HAGL thua vẫn nói không phí công. Họ bảo mãn nguyện trước màn trình diễn của Công Phượng và các đồng đội.

Một điều ngạc nhiên khác là HAGL thua nhưng có hàng trăm khán giả không ra về. Họ đứng kín bít hàng rào trước cổng khán đài A sân Thống Nhất. HLV Kiatisuk đã phải ký đến mỏi tay để đáp lại tình cảm của người hâm mộ. Một hình ảnh rất đẹp là xe chở đội HAGL rời sân Thống Nhất thì đông đảo CĐV xếp hàng dài vỗ tay và vẫy chào thầy trò HLV Kiatisuk.

Nghịch lý kỳ lạ của HAGL - Ảnh 1.

Kiatisuk ký tặng cho rất đông CĐV HAGL sau trận thua Yokohama. Ảnh: Kiatisuk

Tôi dành thêm 30 phút để đọc bình luận ở các diễn đàn bóng đá trên mạng xã hội. Ngạc nhiên là 90% người hâm mộ ngợi khen HAGL đá tốt, chơi cống hiến dù thất bại 1-2 trước Yokohama.

Đó chắc chắn là một nghịch lý lớn trong bóng đá, khi đội bóng đá thua vẫn khiến cho khán giả sướng, không trách cứ mà còn ngợi khen và tán thưởng. Không chỉ ở Việt Nam mà nhìn rộng ra thế giới thì câu chuyện của HAGL đang là "độc nhất vô nhị".

Nhắc thêm, trận HAGL và Yokohama có 11.200 khán giả đến sân Thống Nhất theo BTC thông báo. Nhưng con số thực tế phải hơn 15.000 người khi chỉ còn trống 80% khán đài C, trong khi sức chứa sân Thống Nhất có thể lên hơn 20.000 người. Đây là con số cực kỳ ấn tượng để thấy sức hút rất lớn của HAGL dù BTC chỉ cho phép 70% khán giả vào sân.

Nghịch lý kỳ lạ của HAGL - Ảnh 2.

Đầy ắp khán giả cổ vũ cho HAGL trên sân Thống Nhất. Ảnh: HAGL

Sau trận đấu, HLV Yokohama đã bày tỏ sự ấn tượng về khán giả ở sân Thống Nhất. Ông cho rằng bầu không khí thật tuyệt vời để các cầu thủ có thêm hưng phấn thi đấu. HLV Sydney FC cũng đồng quan điểm về sự cuồng nhiệt của khán giả TP.HCM dành cho CLB HAGL.

Đến câu trả lời cho nghịch lý của HAGL

HLV Park Hang-seo từng nói người hâm mộ Việt Nam rất yêu bóng đá nhưng chỉ yêu bóng đá chiến thắng. Ông Park còn dùng từ "tham lam" để nói về sự đòi hỏi rất cao của CĐV Việt Nam. Nhưng HAGL của bầu Đức đá thua vẫn được khán giả khắp cả nước tôn thờ, yêu mến và động viên. Tại sao lại có nghịch lý lạ lùng như thế?

Hãy nhớ rằng, HAGL được người hâm mộ cả nước yêu mến không phải tự phát, khi khán giả đã trở thành "tài sản" của đội bóng phố Núi trong nhiều năm qua. Căn phòng truyền thống của HAGL chưa thể bổ sung thêm những chiếc Cúp nhưng thương hiệu đội bóng của bầu Đức trong lòng người hâm mộ càng ngày càng bền vững, kể từ lúc trình làng lứa Công Phượng vào cuối năm 2013.

Câu trả lời phải bắt đầu từ bầu Đức, khi quan điểm làm bóng đá không theo đuổi bóng đá thành tích mà hướng đến lối chơi đẹp, sự cống hiến cho người hâm mộ.

HLV Kiatisuk từng kể bầu Đức lúc nhỏ rất thích chơi bóng đá. Ông chủ HAGL đá tiền đạo, dù nhỏ con nhưng khéo léo và thích bóng đá tấn công. Do đó, bầu Đức mở Học viện bóng đá thì theo đuổi bóng đá đẹp.

“Bầu Đức có quan điểm xây dựng đội bóng phải đá đẹp, ứng xử đẹp, cống hiến cho người hâm mộ. Hơn 20 năm qua, bầu Đức vẫn không thay đổi triết lý đó….”, Kiatisuk nói.

Nghịch lý kỳ lạ của HAGL - Ảnh 3.

Bầu Đức tôn thờ bóng đá đẹp để cống hiến cho khán giả.

Tháng 7/2017, bầu Đức đến sân Thống Nhất xem U23 Việt Nam đá với U23 Hàn Quốc thuộc vòng loại U23 châu Á 2018. Việt Nam thua 1-2 trước Hàn Quốc nhưng bầu Đức thưởng 1 tỷ đồng. Nhiều người nghe xong rất bất ngờ, khi đội thua nhưng được bầu Đức thưởng to như thế.

Bầu Đức lý giải ngắn gọn: "Nghèo thì nghèo, tôi vẫn thưởng 1 tỷ đồng cho U23 Việt Nam. Tôi xem thấy sướng và đội đá hay thì thưởng thôi".

Năm 2019, bầu Đức nói về CLB HAGL: "Xuống chơi hạng Nhất cũng chả sao cả. Cái chính là HAGL đi đến đâu, người yêu bóng đá đông đảo đến đấy...".

Hai ví dụ nói trên về bầu Đức đã là nghịch lý lớn. Thứ nhất, đội thua vẫn được thưởng to với lý do đá đẹp và xem sướng. Thứ hai, đội sẵn sàng rớt hạng, miễn có khán giả xem và cổ vũ.

Nhưng hai nghịch lý nói trên chính là câu trả lời cho chuyện HAGL đá thua vẫn được yêu và tôn thờ. Đội bóng của bầu Đức không chơi thứ bóng đá thắng mà không đẹp, thắng theo kiểu đá xấu, đá láo, hay... đá bịp người hâm mộ. Bầu Đức thà để CLB HAGL thua, thậm chí rớt hạng nhưng phải chơi đẹp, đá cống hiến chứ không lừa khán giả, không đá theo kiểu có đông anh em ở cùng một giải đấu.

Ngoài ra, tinh thần chiến đấu của các cầu thủ HAGL là điểm cộng rất lớn. HAGL của Kiatisuk chơi ngoan cường dù bị Yokohama dẫn trước 2 bàn. Họ đá với ý thức không để khán giả thất vọng, đá hết mình, dám tấn công và không bỏ cuộc. Người hâm mộ phải sướng khi thấy Công Phượng và các đồng đội khiến cho Á quân J.League phải run sợ và câu giờ.

Câu chuyện về nghịch lý của HAGL là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam để thấy những chiếc Cúp sẽ mất đi giá trị nếu không được khán giả yêu mến. Đặc biệt, những đội bóng đang sẵn sàng từ bỏ nhiều giá trị khác để theo đuổi thành tích, hay có ông chủ bất chấp dư luận để duy trì thói quen thưởng cho các đội bóng ở cùng một giải đấu.

Đúng hơn, bóng đá là sân khấu bốn mặt nên không thể che mắt, hay bắt người hâm mộ yêu mến bằng sự xấu xí. Nếu có thì chỉ mang tính nhất thời, còn không thể đứng vững trước thử thách và thời gian. Chỉ có những giá trị tốt đẹp mới bền vững, đó là đội bóng đá đẹp, cầu thủ cư xử đẹp, ông chủ đam mê chân chính và làm tử tế.