Chuyển động Nhà nông 19/4.
Nông dân xoay sở tìm cách thích ứng khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón tăng 40-50%; giống cây trồng tăng 10-15%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10-20%; thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng 15-20%, thuốc thú y tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng giá phân bón tăng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã tìm cách thích ứng nhằm duy trì sản xuất. Một số hộ đã cắt giảm phân hóa học hoặc chuyển phần lớn sang phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư. Để giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, phân bón vô cơ trong trồng trọt..., địa phương khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", mô hình quản lý dịch hại, cây trồng tổng hợp (IPM, ICM), quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, quy trình sản xuất giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Đào Bắc Hà mất mùa nhưng được giá
Huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) hiện đang bước vào vụ thu hoạch đào. Vụ đào năm nay, do thời tiết bất thuận, rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm đúng vào thời kỳ đậu quả đã ảnh hưởng khiến đào Bắc Hà đậu quả thấp, năng suất vụ thu hoạch đào năm nay giảm mạnh. Tuy nhiên, đào đậu quả năm nay quả to đều, chủ yếu đào chọn, nên được thương lái mua với giá khá cao. Trung bình đào chọn 30 - 50 ngàn đồng/kg, đào xô số lượng ít giá từ 15 - 20 ngàn đồng/kg. Toàn huyện Bắc Hà hiện có khoảng gần 100 ha cây đào Pháp giống DT 2 và Micret, tập trung ở các xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố và thị trấn Bắc Hà... Đa số các hộ trồng đào xen với mận, lê, số lượng từ 30 - 50 cây/vườn. Mấy năm gần đây, những loại cây ăn quả này đã mang lại "nguồn lợi kép" cho người dân, vừa có nguồn thu từ thu hái quả, vừa thu hút khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm…
Giá táo Ninh Thuận tăng gấp đôi lên 20.000 – 25.000 đồng/kg
Những ngày ngày, nông dân trồng táo ở tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương chăm sóc, thu hoạch táo bán cho thương lái. So với thời điểm trước Tết giá táo tươi bán tại vườn có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên gấp đôi. Tùy vào chất lượng, táo đang được thương lái thu mua tại vườn có giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, đối với táo thương lái mua bao giàn không phân loại có giá bình quân 15.000 đồng/kg. Theo nông dân và thương lái thì đây là mức giá cao nhất trong vài năm trở lại đây. Bình quân mỗi sào táo cho năng suất thu hoạch từ 3,5 – 4 tấn quả/vụ, với giá bán trên sau khi trừ chi phí người trồng táo thu lãi hàng chục triệu đồng/sào. Nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây táo, thời gian tới ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như: Phát triển vùng sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP, táo hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất táo; cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể "Táo Ninh Thuận", dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ quả táo, phát triển tour du lịch tham quan vườn táo, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Xuất khẩu cá tra thăng hoa trong quý I
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) tính hết quý I, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng dương từ hai tới ba con số, điển hình như Trung Quốc, Mỹ và EU.
Cụ thể, trong quý I, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 183 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, giá trị xuấ khẩu cá tra sang Trung Quốc, Hong Kong đạt 97,5 triệu USD, tăng 119%. VASEP dự báo còn khả quan hơn nữa ít nhất trong quý II.
Trước đó, xuất khẩu cá tra của Việt Nam khá chật vật vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc, các doanh nghiệp luôn thấp thỏm, lo lắng nhiều lô hàng cá tra bị trả lại nếu nhiễm virus SAR-CoV-2.