Không bỏ môn Lịch sử
Ông có thể lý giải vì sao môn Lịch sử được dạy xuyên suốt trong chương trình hiện hành thành môn lựa chọn trong chương trình mới?
Khi hoàn thành cơ bản việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên, nhân dân cũng như trình Dự thảo xin ý kiến các ban, bộ ngành, trong đó có Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các Sở GDĐT… Các đơn vị đã phản hồi bằng công văn chính thức, hiện còn lưu tại Bộ GDĐT đồng thuận về Chương trình.
Trong tất cả các ý kiến đóng góp, không có ý kiến nào phản đối việc đưa môn Lịch sử thành môn học lựa chọn ở chương trình THPT. Cuối tháng 12/2018, Bộ GDĐT phê duyệt chương trình GDPT mới. Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có một số giáo viên dạy Lịch sử, có cả những người là Phó Giáo sư, tiến sĩ khi được hỏi ý kiến thì không đóng góp nhưng sau khi Chương trình được phê duyệt đến nay 3 năm lại “đấu tranh” vì Bộ GDĐT “bỏ” môn lịch sử.
Ông có thể nói rõ hơn lộ trình môn học Lịch sử ở bậc tiểu học, THCS đảm bảo hoàn thành cơ bản khi học sinh hết lớp 9?
Chương trình GDPT không bỏ môn Lịch sử mà học sinh bắt buộc học và tạo điều kiện để tìm hiểu kiến thức môn học này ở bậc tiểu học và THCS. Kiến thức lịch sử có trong các bộ môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5. Ở cấp THCS, Lịch sử là phân môn trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9. Trong đó, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. Có thể nói, khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản.
Về giáo dục lòng yêu nước, tôi cho rằng, hiện nay vẫn có một số ý kiến thể hiện nhận thức chưa đầy đủ. Tôi cho rằng, nội dung tất cả các môn học đều bình đẳng như nhau và môn học nào cũng có vai trò giáo dục lòng yêu nước theo cách riêng của nó, có thể môn học này có lợi thế hơn. Ví dụ, môn Văn học, học sinh được bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, tiếp cận, hiểu biết sâu sắc về Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn độc lập, về thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu… Địa lý giúp học sinh hiểu biết về lãnh thổ, biển đảo; kiến thức Sinh học, Hóa học, Vật lý, Tin học… giúp các em có hiểu biết để bảo vệ môi trường, có nghiên cứu ứng dụng hữu ích cho cuộc sống hiện đại.
Giáo viên chưa tỏ, học sinh hoang mang
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là khi sắp triển khai chương trình GDPT mới ở bậc THPT, vẫn còn không ít học sinh hoang mang, không hiểu về chương trình. Việc này ảnh hưởng thế nào đến lựa chọn môn học và hiệu quả chương trình?
Đó là thực tế đáng lo ngại. Sau khi công bố chương trình GDPT mới đến nay, Bộ GDĐT đã buông lỏng, không tổ chức truyền thông một cách hiệu quả, có trách nhiệm đầy đủ cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ chương trình mới sẽ thế nào, có gì khác biệt hay các em cần chuẩn bị tâm thế ra sao để lựa chọn. Khi người ta không hiểu hoặc hiểu mù mờ, sẽ có phản ứng như hiện nay là điều dễ hiểu. Ngay cả việc tập huấn cho giáo viên, tôi cũng đánh giá Bộ GDĐT triển khai chưa thật hiệu quả. Những người làm chương trình môn học, hiểu rõ nhất hầu như không được tham gia tập huấn cho giáo viên các địa phương. Tập huấn giáo viên cũng tổ chức qua mạng nên một số người có ý kiến cho thấy chưa hiểu rõ về chương trình. Trong khi chính đội ngũ giáo viên là những người quyết định thành bại chương trình mới cũng là người tư vấn cho phụ huynh, học sinh hiểu.
Thứ 2, dù năm tới bắt đầu áp dụng chương trình GDPT mới năm đầu tiên ở bậc THPT, nhưng điều kiện thực hiện không được chuẩn bị kỹ càng, trong đó có đội ngũ và cơ sở vật chất. Yêu cầu thì nhiều nhưng đến nay giáo viên không có gì trong tay ngoài cuốn sách giáo khoa mới phát hành. Tôi rất thông cảm với các khó khăn của giáo viên phổ thông phải nghiên cứu trong thời gian ngắn nhưng buộc phải thay đổi phương thức dạy học.
Thứ 3, các nhà trường đáng lẽ được yêu cầu xây dựng tổ hợp, thông báo công khai để học sinh lớp 9 tìm hiểu, lựa chọn thử. Từ kết quả đó, chúng ta nắm bắt được môn học nào các em chọn ít, chọn nhiều để có thế chủ động và đưa ra giải pháp điều chỉnh. Ví dụ, nếu môn Lịch sử có ít em lựa chọn, khi đó những người làm chương trình sẽ nói cho các em hiểu học Lịch sử có thể vận dụng vào những nghề nghiệp nào trong tương lai; khuyến khích đưa kiến thức lịch sử vào đề thi vượt cấp; các trường tuyển sinh tổ hợp khoa học xã hội tăng (hoặc giảm) câu hỏi kiến thức, năng lực về lịch sử… Đó sẽ là những đòn bẩy điều chỉnh, những “cú hích” để học sinh chọn và học bộ môn này. Trong khi ở đây, Bộ GDĐT hầu như “buông” hoàn toàn, để mặc học sinh, phụ huynh lựa chọn và việc băn khoăn do không hiểu về chương trình là điều cần khắc phục.
Cảm ơn ông!
*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại