Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố chuyển đổi số
Chia sẻ với Dân Việt, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Quảng Nam đã triển khai thống nhất, đồng bộ các ứng dụng dùng chung cơ bản của chính quyền điện tử như hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số… kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử, hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
"Đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4, toàn tỉnh cung cấp được gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ 80% bộ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cấp tỉnh đạt 47,75%.
Các dịch vụ công trực tuyến ngày càng được cải tiến và thuận tiện giúp giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp", ông Bửu nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Bửu chia sẻ thêm, Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2025 phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích họp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Đặc biệt, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Trong năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử. Trong năm 2021 triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền, đưa vào sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. 100% các cơ sở khám chữa bệnh (Bảo hiểm y tế) BHYT trên địa bàn thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử...
"Từ những thành quả đó, Quảng Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng thứ thứ 24/63 tỉnh, thành phố, từ đó đã phản ánh các nổ lực, kết quả tỉnh Quảng Nam đã thực hiện trong thời gian qua về chuyển đổi số. Quảng Nam nằm trong nhóm 2, tương đương mức khá, với chỉ số DTI là 0,3264, so với trung bình cả nước là 0,3026.
Với những kết quả đạt được ban đầu mà chuyển đổi số đã mang lại, sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam", ông Bửu nói.
Chuyển đổi số đến nông thôn, nông dân
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, Quảng Nam không chỉ tập trung xây dựng và phát triển nền tảng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ 4G, 5G.
Mà Quảng Nam còn đang triển khai chuyển đổi số ở nông thôn nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nói riêng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong sản xuất, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.
"Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cũng như các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mai điện tử.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên tuyền về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuyên tuyền hướng dẫn đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội.
Đặc biệt, chỉ đạo các sàn TMĐT tiếp cận với các hộ sản xuất nông nghiệp để hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp mở các gian hàng số để đưa các sản phẩm của mình lên sàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn, tuyên truyền người dân sử dụng các app thanh toán điện tử để thanh toán khi giao dịch trên các sàn TMĐT nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người dân", ông Bửu nói.
Ông Hồ Quang Bửu nói thêm, tính đến hiện nay toàn tỉnh đã có 315 sản phẩm đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam lên các sàn Thương mại điện tử với gần 200 nhà cung cấp đã lên sàn các TMĐT Voso, Sendo, PostMart,...
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo việc lồng ghép nội dung chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp trong các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo thực hiện công tác CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mang tính bền vững và đạt hiệu quả cao.