Cứ khoảng tầm 14h chiều mỗi ngày, góc đường Phó Cơ Điều giao với đường Tân Phước (quận 11) lại có nhiều xe máy đậu kín chỗ. Người Sài Gòn tìm đến đây chính là để thưởng thức súp cua Cô Bông nổi danh nhất khu chợ Thiếc.
Vì địa chỉ ẩm thực này nằm ở số 166 Phó Cơ Điều, ở ngay chếch đối diện chợ, nên nhiều thực khách cũng quen gọi là "súp cua chợ Thiếc". Quán chỉ đơn giản có mấy chiếc bàn, ghế con bày sát vỉa hè, song lúc nào cũng thấy tấp nập.
Vừa vào quán súp cua Cô Bông, gọi 2 tô súp cua, Ngọc Lan (thực khách ngụ quận 11) được nhân viên mau mắn hỏi luôn: "Tủy, óc, trứng ăn thêm không con?". Ngọc Lan gật đầu, gọi phần óc, tủy và một trứng bắc thảo.
"Ăn một tô súp thôi thì chưa… đã. Mình gọi luôn các món thêm ở đây vì không phải quán nào cũng có, với lại chúng ăn khá ngon", Lan chia sẻ.
Chớp mắt, nhân viên đã dọn súp lên. Tô súp nóng hổi sánh sệt, quyện những sợi trứng gà được đánh tơi, dùng muỗng đảo nhẹ thấy có đủ nấm tuyết, thịt cua, thịt gà, trứng cút. Bên trên có rắc ít tiêu thơm, ngò xanh xắt nhuyễn.
"Súp ở đây chỉ có mấy nguyên liệu cơ bản thế thôi. Một số quán khác thì thêm này thêm kia như bong bóng cá, thanh cua, hàu sữa… Tuy súp ở quán này trông đơn giản nhưng nấu vừa ăn, nhất là không quá đặc, cũng không lõng bõng như một số quán khác", anh Bá Dương (thực khách ngụ quận 10) cho biết.
Tại súp cua Cô Bông, món ăn thêm đặc biệt như đã nói ở trên chính là óc heo và tủy heo, ngoài ra còn có thêm trứng bắc thảo. Tủy heo và óc heo được sơ chế sạch, chế biến theo bí quyết riêng để tủy, óc thơm ngon, không bị tanh.
Chúng tôi nhìn vào phần óc, tủy thì thấy có ít gừng, hành lá. Óc, tủy mềm mịn, béo ngậy, nếm vào như tan ngay trên đầu lưỡi, cho vào súp nóng ăn rất hợp vị.
Có thực khách gọi hẳn một bộ óc hay một quá trứng bắc thảo để ăn cùng súp, song có người cho rằng ăn một lúc như vậy cũng khá… ngán, nên hợp lý hơn, họ gọi một phần ăn thêm vừa có tủy heo vừa có nửa bộ óc, thưởng thức vừa ngon vừa không quá ngấy.
Quán súp cua Cô Bông có để sẵn ớt sa tế, giấm, nước tương. Khách khi ăn tự nêm nếm các gia vị vào để tô súp cua đậm đà hơn.
Như tên gọi, chủ quán súp cua Cô Bông là bà Phan Thị Bông, quê Quảng Ngãi. Vào Sài Gòn lập nghiệp, bà cũng bán qua một số món, nhưng có vẻ không thành công lắm. Được người bạn bày cách nấu súp cua, hai vợ chồng bà cũng lại thử bán, rồi thấy ổn nên duy trì đến tận bây giờ, tính ra cũng đã hơn 20 năm.
Theo chủ quán chia sẻ, bà cũng học dần dần, xem khẩu vị khách mà điều chỉnh cách nấu súp cua sao cho hợp lý. Để có súp ngon, cần chọn nguyên liệu kỹ lưỡng, nhất là nước súp phải hầm lâu từ xương gà, xương heo cho ngọt, đậm đà. Thịt gà được dùng máy đánh nhuyễn, chứ không xé tay. Tủy heo, óc heo được hấp riêng trong những khay lớn. Trứng bắc thảo được lột vỏ và cho vào luôn nồi súp để giữ nóng.
Phần ăn ở quán súp cua cô Bông được nhiều thực khách đánh giá là đầy đặn. Một lý do nữa khiến súp cua Cô Bông thu hút nhiều thực khách, chính là mức giá khá mềm. Tô súp bình thường có giá 25.000 đồng/tô, tô nhỏ hơn "em bé" giá 15.000 đồng/tô. Trứng bắc thảo giá 10.000 đồng/trứng. Riêng phần óc heo, tủy ăn thêm có giá 40.000 đồng/phần, vì đây là những nguyên liệu cũng không quá phổ biến.
Súp cua vốn là món ăn du nhập từ phương Tây, xuất hiện trong các bữa tiệc như món khai vị, vì ấm nóng, hương vị thanh nhẹ. Dần dà, người Việt dần quen với món ăn này, biến tấu thêm với nhiều thành phần nguyên liệu khác.
Tại Sài Gòn, không biết từ bao giờ, súp cua là một trong những món ăn rất được ưa chuộng. Người ta có thể thưởng thức súp cua bất cứ thời điểm nào trong ngày, ăn vặt cũng được mà ăn no cũng ổn, thu hút nhiều người ăn ở mọi lứa tuổi.
Ở thành phố phương Nam sôi động này, trong một buổi chiều mát trời, nếu thấy thèm súp cua, bạn có thể thử một lần tìm đến súp cua Cô Bông nức tiếng khu chợ Thiếc xem sao.