Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ lại câu chuyện mình từng gặp: "Năm 2015, có học sinh tâm sự với tôi rằng, em chuẩn bị vào học bổ túc văn hóa vì bị nhà trường nói học dốt, không cho thi cấp 3. Qua kiểm tra kiến thức, tôi thấy em học sinh này không quá kém mà chỉ lười học và thiếu tự giác. Sau đó, em học sinh chuyển sang trường dân lập học và học rất tốt. Em đỗ vào trường cấp 3 một cách vẻ vang và bây giờ đang học một trường cao đẳng".
TS Hương nhấn mạnh: "Khi các trường THCS muốn báo cáo những con số đẹp, thành tích đẹp của học sinh sẽ vấp phải những rào cản, đó là những học sinh có lực học không tốt hoặc không tự giác học bài. Tôi đang tự hỏi, tại sao cần có những bản báo cáo thành tích trong giáo dục? Phải chăng, báo cáo thành tích đã trở thành căn bệnh cố hữu, bắt buộc phải tồn tại?
Thay vì báo cáo sự tiến bộ của trẻ về các mặt kiến thức, kỹ năng và đạo đức, các nhà quản lý giáo dục lại báo cáo về thành tích của học sinh. Chúng ta lên án rất nhiều về bệnh thành tích, nhưng trong các bản báo cáo của các cấp lãnh đạo quản lý giáo dục, mọi hoạt động đều hiện lên dưới dạng thành tích".
Trưa 20/4, Văn phòng UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc yêu cầu xác minh các thông tin phụ huynh phản ảnh và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Sở GDĐT Hà Nội nêu quan điểm: Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng học sinh sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh để có lựa sự chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Thông qua vụ việc lần này, TS Hương cho biết: "Giáo dục có 3 mục tiêu: Kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải xử lý triệt để từ bản báo cáo thành tích. Có như vậy, giáo dục mới đúng nghĩa là giáo dục".
Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội cho hay: "Hiện tượng trên là có thật nhiều năm nay ở Hà Nội. Đó là "biểu hiện lâm sàng" của "bệnh thành tích", nhất là các trường công lập.
Hàng năm, phòng GDĐT quận/huyện thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường công (tương tự đỗ đại học công lập) để đánh giá "thành tích" của trường. Phòng GDĐT "thống kê"… thì trường THCS phải có "giải pháp thiết thực" để con số thống kê đó của trường mình "đẹp". Có thể dùng 2 từ: "Tàn nhẫn"!
Phụ huynh có dám "phản ứng" với nhà trường không? Trả lời ngay là: Không. Vì sao? Đứa lớn chưa qua, còn đứa nhỏ nữa. Nhiều người ngậm đắng, nuốt cay… mà chịu là vậy".
Không chỉ ở Hà Nội
Một số phụ huynh ở các tỉnh khác cho hay cũng rơi vào hoàn cảnh này. Chia sẻ với PV, một phụ huynh ở Hà Nam kể: "Cách đây 2 năm, con mình bị từ chối cho phép thi vào cấp 3 vì lý do... học kém. Khoảng gần Tết, mình bị cô giáo gọi lên ký cam kết không cho thi. Nếu cố tình đăng ký thi thì sẽ không được chứng nhận tốt nghiệp".
Một phụ huynh khác ở Quảng Ninh cho biết, từng rơi vào trường hợp tương tự, nhà trường làm đủ cách, gọi điện cho phụ huynh để tạo áp lực cho con không thi. Ngoài ra, nếu học sinh không học thêm ở trường cũng bị dọa không cho tốt nghiệp.
"Ngay từ đầu năm lớp 9, học sinh phải ôn tuyển sinh ở trường, nếu không sẽ bị nhà trường gọi điện cho phụ huynh, tạo áp lực là không cho học sinh thi thử, không cho thi cấp 3... Khi học sinh không đi học thêm ở trường thì bị trù điểm trên lớp, không phát đề ôn tại lớp, tiếp tục cho điểm thật kém rồi gọi điện cho phụ huynh bảo là: các bạn đi học thêm ngoài không chất lượng nên phải cho vào trường học. Học sinh lớp 9 chịu áp lực kinh khủng", phụ huynh này cho hay.
Là người quan tâm đến giáo dục, anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi nêu ý kiến: "Trước hết phải nói rõ, chủ trương phân luồng vào bậc THPT có ưu điểm, việc này giúp các học sinh học lực yếu kém vào trường nghề đỡ lãng phí thời gian. Thậm chí nhiều học sinh được linh động xét tốt nghiệp THCS.
Tuy nhiên việc tư vấn dần "biến tướng" thành ép buộc nhằm chạy theo thành tích, vô hình chung tước đi quyền được thi vào 10 của nhiều học sinh có khả năng. Đây là sai với chủ trương ban đầu. Vậy nên rất mong Bộ GDĐT chấn chỉnh ngay".
Cuộc cạnh tranh khốc liệt vào lớp 10
Theo Quyết định của UBND TP.Hà Nội về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, số lượng học sinh lớp 9 được xét tốt nghiệp THCS và số lượng học sinh được tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới sẽ tăng so với mùa tuyển sinh trước.
Cụ thể, năm học 2021-2022, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học trước).
Tuy nhiên, điều đó có nghĩa chỉ khoảng 60% học sinh được tuyển vào THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Cuộc thi vào lớp 10 hàng năm ở Hà Nội được biết đến là áp lực và cạnh tranh hơn cả thi đại học bởi tỉ lệ chọi vào các trường top trên rất cao. Mỗi học sinh dự tuyển vào lớp 10 khối không chuyên ở Hà Nội sẽ có 3 nguyện vọng vào các trường THPT công lập. Trong đó 2 nguyện vọng phải nằm trong khu vực tuyển sinh, tương ứng với địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của học sinh, nguyện vọng 3 được đăng ký bất kỳ trong 12 khu vực tuyển sinh của toàn thành phố.