Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân,… Ngoài ra, nhà văn hóa cũng là nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác ở thôn, phố…
Clip nhà văn hóa phố Phát Diệm Đông và Phát Diệm Tây (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn) thành nơi kinh doanh cà phê, mua bán đồ cổ
Thế nhưng, qua tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, tại nhà văn hóa phố Phát Diệm Tây và phố Phát Diệm Đông (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã nhiều năm nay trở thành nơi kinh doanh quán cà phê, mua bán đồ cổ.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại nhà văn hóa phố Phát Diệm Tây (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn) được xây dựng 2 tầng khang trang với tổng diện tích khoảng 200 m2.
Hiện nhà văn hóa này đang cho hộ tên là Hùng thuê lại để trưng bày, buôn bán các đồ kiểu cổ như: bàn, ghế, tủ, bình gốm…
Ngoài ra, hộ ông Hùng còn bày bán các đồ thủ công mỹ nghệ ở dưới tầng 1 nhà văn hóa...Theo chủ cơ sở này tiết lộ: "Thời hạn thuê nhà văn hóa phố Phát Diệm Tây 10 năm, mức tiền thuê 4 triệu đồng/tháng".
Tương tự, nhà văn hóa Phát Diệm Đông (thị trấn Phát Diệm) xây dựng 2 tầng, diện tích khoảng 150 m2, hiện hộ ông Nguyễn Ngọc An thuê kinh doanh quán cà phê với cái tên "Mậu dịch".
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, bên trong quán cà phê "Mậu dịch" được trang trí bằng nhiều chiếc xe đạp, ti vi, đài, điện thoại bàn, sách, báo…để hút khách vào.
Một người bán cà phê tại quán "Mậu dịch" tiết lộ: "Gia đình thuê nhà văn hóa Phát Diệm Đông 5 năm, trả tiền một lần và tính ra thì chỉ 3 triệu đồng/tháng".
Được biết, phố Phát Diệm Tây có tổng 343 hộ dân, phố Phát Diệm Đông 268 hộ dân. Các nhà văn hóa phố thường nhẽ ra phải là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và là nơi sinh hoạt, hội họp…
Thế nhưng ở đây lại "tư nhân hóa" nhà văn hóa cộng đồng.
Một người dân sống tại phố Phát Diệm Đông nói: "Nhà văn hóa phố đã hẹp rồi lại cho các hộ vào kinh doanh cà phê, mỗi lần phố có tổ chức các hoạt động rất khó".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Văn Thành-Chủ tịch UBND thị trấn Phát Diệm phân trần: "Tôi mới về nhận công tác từ năm 2020, việc thuê kinh doanh tầng 1 các nhà văn hóa phố diễn ra trước đó. Cũng nhiều lần tôi về các nhà văn hóa phố Phát Diệm Tây và Phát Diệm Đông họp cùng bà con nhân dân và có việc thuê kinh doanh cà phê ở đây...".
Cũng theo lý giải của ông Thành: "Nhà văn hóa phố Phát Diệm Đông sau khi xây dựng và hoàn thiện có nợ lại 30 triệu đồng. Việc cho thuê kinh doanh cà phê diễn ra năm 2018. Lúc đó, do xây dựng nhà văn hóa phố không có nguồn kinh phí nên phố mới cho thuê để lấy tiền trả nợ?!".
"Nhà văn hóa phố Phát Diệm Tây chỉ cho hộ ông Hùng mượn chăm coi nhà văn hóa phố, ông Hùng có để bàn, ghế, tủ,…chứ không có chuyện cho thuê để lấy tiền hàng tháng. Nhà văn hóa phố sau khi xây dựng thì có nợ 300 triệu đồng…", ông Đỗ Văn Thành nói thêm.
Nhà văn hóa (NVH) là một thiết chế văn hóa hàng ngày đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội.
Đề nghị chính quyền huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) vào cuộc xử lý.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này...