Liên quan đến thông tin môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn bậc THPT trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thưa PGS Nguyễn Quang Liệu, thời gian qua dư luận rất quan tâm đến Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là môn Lịch sử đang gây tranh cãi khi trở thành môn học lựa chọn thay vì bắt buộc ở bậc THPT. Quan điểm của PGS về vấn đề này thế nào?
- Người ta thường nói, lịch sử là người thầy của cuộc sống. Nghĩa là học lịch sử, hiểu biết về lịch sử cho chúng ta biết được giá trị đích thực trong cuộc sống. Chúng ta hiểu quá khứ sẽ biết trân trọng ở hiện tại và hướng tới tương lai. Đặc biệt hơn cả, lịch sử là cốt cách, bản lĩnh, khí phách của cả dân tộc.
Hiện nay, dư luận đang băn khoăn giữa môn học lựa chọn hay bắt buộc. Theo quan điểm của tôi, để môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn là không phù hợp. Môn Lịch sử phải trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, khi đóng vai người học cũng như người dạy, tôi cho rằng chúng ta nên làm gì đó để môn Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, được các em học sinh, thế hệ trẻ Việt Nam yêu thích mới là vấn đề. Trước đây môn học này là môn bắt buộc mà nhiều em còn thờ ơ, không thích thì việc trở thành môn lựa chọn sẽ là thách thức hơn vì vậy làm sao để môn học hấp dẫn với các em. Đây là điều mà thầy cô, các cấp lãnh đạo phải quan tâm.
Nhận xét của PGS về môn học Lịch sử trong trường học ở Việt Nam hiện nay thế nào? Tại sao nhiều người lo ngại thế hệ trẻ thờ ơ với môn Lịch sử?
- Theo tôi, có 5 nguyên nhân. Thứ nhất và cũng là nguyên nhân quyết định của việc học sinh không thích học Lịch sử là do thầy cô giáo. Các thầy cô giáo đã đổi mới phương pháp giảng dạy chưa? Nếu chúng ta giảng dạy khô cứng thì dĩ nhiên học sinh sẽ xem đó là môn học nhàm chán, chỉ nhiều số liệu.
Thực tế, học môn Lịch sử hay vô cùng. Lịch sử chúng ta là câu chuyện, là những bộ phim dài tập. Thế nhưng thầy cô lại kể chuyện không ra kể chuyện, dạy không ra dạy… Như vậy làm sao đòi hỏi học trò yêu thích được. Thầy cô giáo phải là những người truyền cảm hứng cho học sinh. Thầy phải là người bạn của học trò và dần dần khẳng định chuyên môn đạt đến đẳng cấp cao là thần tượng của học trò. Dù sau 20, 50 năm ra trường vẫn nhớ về người thầy đó.
Thứ hai là sách giáo khoa. Hiện nay sách được viết rất khô cứng, hàn lâm. Chúng ta viết sách lịch sử phải là những cốt chuyện xâu chuỗi, logic đạt tới tầm cao của việc học. Hiện nay sách chưa đáp ứng được điều này mặc dù đã cải tiến.
Thứ ba, chương trình giáo dục hiện nay chưa coi trọng môn Lịch sử. Điều này khiến cho người học luôn coi đây là môn phụ, là môn không quan trọng.
Thứ tư, do phụ huynh. Chúng ta thường nghe phụ huynh trách mắng con: "Sao không học Văn, Toán, Ngoại ngữ, Tin học… cho tốt đi, lại đi học Sử làm gì? Sao không chọn những ngành như Ngoại thương, Thương mại, Kinh tế, Luật, Ngân hàng… lại đi học Lịch sử ra làm gì, ra trường lương bao nhiêu tiền?"…
Thứ năm, truyền hình hay phim ảnh của chúng ta cũng không bổ trợ cho môn Lịch sử, khiến học sinh không có điều kiện tiếp xúc với lịch sử qua hình ảnh. Tại sao các nước tập trung làm những bộ phim rất hay về lịch sử, tái hiện lịch sử qua hình ảnh rất sinh động, học sinh dễ thuộc như vậy?
Tôi cho rằng, đây là 5 nguyên nhân dẫn đến hệ quả hiện nay học sinh không thích môn Lịch sử, hay nói đúng hơn là chưa yêu thích môn Lịch sử.
Theo PGS, nếu môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn thì dẫn tới hệ lụy thế nào?
- Nếu như các em không chọn học môn Lịch sử thì đồng nghĩa với việc toàn bộ chương trình cấp THPT các em sẽ bị rỗng, tạo khoảng trống về lịch sử trong đầu các em.
Khi lên đại học các em sẽ phải học những môn bắt buộc như Lịch sử Đảng; Lịch sử văn minh thế giới; Lịch sử văn hóa… Muốn học được các môn này thì các em phải nắm được nền tảng lịch sử dân tộc. Với 3 năm học trống rỗng như vậy, các em sẽ phải học thế nào khi không có sự kế thừa, bổ sung, phát triển… Đó là điều đáng lo.
Và điều đáng lo nhất là thế hệ trẻ không hiểu gì về lịch sử. Chúng ta vẫn nói: "Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai bắn chúng ta bằng đại bác". Chúng ta có trân trọng quá khứ đâu mà có thể ảnh hưởng đến tương lai.
Nhiều nước trên thế giới rất coi trọng xã hội nhân văn, đặc biệt chú trọng là lịch sử. Lịch sử là một thời đã qua. Người ta nhìn vào đó để thấy truyền thống, mạch nguồn dân tộc và bản lĩnh, giá trị của quốc gia mà bao nhiêu mồ hôi, xương máu của cha ông đã làm nên điều đó. Giới trẻ không tự hào về dân tộc vì các em có hiểu đâu mà tự hào.
Cho nên chúng ta cần phải điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt, đặt môn Lịch sử phải đúng và phải trúng trong chương trình giáo dục phổ thông. Môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn hay bắt buộc là do những người làm công tác hoạch định chính sách giáo dục phải cân nhắc. Đó không chỉ là mong muốn của đội ngũ giáo viên mà đó là của cả dân tộc.
Ở những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… thì môn Lịch sử bắt buộc phải học.
Theo PGS, chúng ta cần làm gì để môn Lịch sử trở thành niềm yêu thích, đam mê của học sinh?
- Sau khi đặt môn Lịch sử đúng và trúng trong chương trình giáo dục THPT, chúng ta cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy, đặc biệt nâng cao phương pháp công nghệ số.
Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo cần phong phú đa dạng hơn, hấp dẫn hơn thì người học sẽ thích hơn. Chúng ta cần có giải pháp đồng bộ.
PGS có nhắc đến công tác đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo PGS, việc đào tạo giáo viên hiện nay gặp thuận lợi hay khó khăn gì?
- Cũng như các ngành Sư phạm khác, công tác đào tạo ngành Sư phạm Sử hiện nay được chú trọng, nhiều chính sách thu hút sinh viên giỏi. Vì chỉ có giáo viên giỏi mới tạo ra những học sinh giỏi, truyền cảm hứng cho các em.
Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ thì theo quy định chung. Đây cũng là hạn chế với những bộ môn như Lịch sử. Những giáo viên Văn, Toán, Tin, tiếng Anh có thể làm thêm để tăng thu nhập, còn giáo viên Lịch sử chỉ có tiền lương. Nếu họ đi làm việc khác thì sẽ không tập trung vào chuyên môn. Nhìn nhiều giáo viên khó khăn, vất vả như vậy càng khiến cho học sinh thấy nản, không muốn theo học.
Còn với học sinh, thực tế cho thấy rất nhiều học sinh quên lịch sử, thậm chí có trường hợp các em nhầm lẫn Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 anh em, 2 bố con. PGS có suy nghĩ gì về điều này?
- Đây là những học sinh không biết gốc rễ của lịch sử, hay còn gọi là mất gốc. Thầy cô dạy không đến nơi đến chốn, học trò thì học qua loa, không tập trung. Thà các em không biết thì thôi chứ đừng nhầm lẫn nguy hại.
Là hiệu trưởng của Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, thầy chia sẻ công tác tuyển sinh của trường trong những năm qua, đặc biệt là lớp Chuyên Sử thế nào?
- Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn có số lượng học sinh tốt nghiệp THCS thi vào khá cao. Tỉ lệ chọi hàng năm là 1:8. Đây là những em học rất giỏi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành. Có những em mới lớp 10 đã đạt học sinh giỏi Olympic Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Lợi thế của các em khi được đào tạo tại trường là gì, thưa PGS?
- Học sinh học tập tại trường đều có định hướng dài hơi, xuyên suốt, tạo cho mình phong cách học thuật được đào tạo từ bậc THPT, cử nhân, thạc sĩ và được làm tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể học khoa Lịch sử, khoa Quốc tế, khoa Chính trị học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau đó các em có thể trở thành giáo viên, làm tại các cơ quan văn hóa, du lịch hoặc báo chí, truyền hình.
Cảm ơn PGS đã chia sẻ!
Từ năm học 2022- 2023, Bộ GDĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trong đó chương trình cấp THPT được đặc biệt quan tâm khi có nhiều điểm mới đáng chú ý. Thay vì học 17 môn, học sinh sẽ học 12 môn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.
Cụ thể, học sinh phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).