"Món ăn Việt nào khiến bạn mê mệt?". Anh Vĩnh Lộc (quê Nha Trang, Khánh Hòa), có cho bản thân riêng một câu trả lời: "Đó chính là lẩu ếch măng cay Hà Nội, cháo bò Huế và sủi cảo Sài Gòn".
Cũng theo anh Lộc, những món này không nổi tiếng bằng mấy món quốc dân như phở, bánh mì, bún bò, bún riêu, bún đậu, cơm tấm... nhưng ăn dễ ghiền cực kỳ. Đã đi tới đây thì nhất định phải ăn. Vậy theo anh, ở Sài Gòn là phải ăn sủi cảo rồi.
Nhưng với dân Sài Gòn, ăn sủi cảo phải đi về hướng Chợ Lớn. Bởi Chợ Lớn là khu người Hoa, món sủi cảo là món Hoa, phải ăn trong khu người Hoa mới đúng điệu.
Tuy nhiên, một số người lại khá lúng túng, khi không tài nào phân biệt đâu là há cảo, sủi cảo, hoành thánh... Nhân đây, chị Kelly Xie (dân Hoa ở quận 5) cũng giải thích rằng: "Hoành thánh có thành phần nhân bao gồm thịt băm, nấm mèo, gia vị. Há cảo có nhân gồm: tôm băm hoặc cắt nhỏ, thịt băm, các loại rau củ theo sở thích và gia vị. Sủi cảo có nhân gồm: tôm nguyên con đã lột vỏ, thịt băm, cải thảo và gia vị, đặc biệt khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị tôm đặc trưng".
Nếu cảm thấy giải thích hơi khó hiểu thì chị Kelly Xie cũng nói thêm cho dễ hiểu: Há cảo là món hấp, có vỏ trắng; sủi cảo và hoành thánh là món nước, sủi cảo có nhân tôm, còn hoành thánh không có tôm". Vậy đi cho đơn giản.
Nhưng có điều, chọn quán nào để ăn, chị Kelly nói luôn: "Ở đường Hà Tôn Quyền, quận 11. Con đường này còn được gọi là kinh đô sủi cảo".
Vậy là cả bọn cùng kéo nhau xuống Chợ Lớn để thưởng thức món sủi cảo mà có người xưng tụng rằng ngon nhất đất Sài Gòn. Vừa vào đầu đường đã thấy hàng quán sáng trưng, xe cộ la liệt, nhân viên phục vụ - giữ xe lên tiếng chào mời. Từ đầu đường đến cuối đường chỉ tầm 100 mét nhưng có hơn chục tiệm sủi cảo, chưa tính những tiệm trong hẻm.
Chúng tôi chọn đại một tiệm tên là Ngọc Ý để vào ngồi. Nhìn sơ qua thực đơn, nói rằng ăn sủi cảo mà đã có cả chục loại sủi cảo khác nhau: mì cảo, cảo không, cảo thập cẩm, cảo khô sốt dầu hào, mì cảo khô sốt dầu hào, cảo chiên dòn chấm nước sốt xí muội...
Anh Nguyễn Tuấn (33 tuổi), một người đi cùng, gọi món mì cảo khô sốt dầu hào, vừa gặp món này bèn reo lên. Anh hồ hởi kể: "Hồi đó đi du lịch Singapore, em có ăn thử món này trong khu China Town, thèm tới bây giờ. Mà em không rành tiếng Anh, cũng không biết tiếng Hoa, nên thành thử không biết món này tên là món gì. Nay nhờ đi vào đây mới biết đây là món sủi cảo khô sốt dầu hào".
Chị Kelly tiếp lời: "Thực tế, sủi cảo phải ăn với nước súp mới đúng bài. Còn sủi cảo Hà Tôn Quyền chế thêm món sốt dầu hào này, có khi nào học lại từ bên Singapore không ta?".
Anh Nguyễn Tuấn xua tay: "Sao không nghĩ ngược lại là Singapore học lại từ sủi cảo Hà Tôn Quyền? Cái gì chưa rõ, thì cứ vơ trước về mình cho chắc".
Ngồi gần đấy có hai cụ cao niên đang từ từ thưởng thức. Cụ ông dùng mì cảo nước, cụ bà dùng cảo không. Cụ ông cho biết: "Tôi ăn sủi cảo Hà Tôn Quyền này mấy chục năm rồi. Lúc đầu hoàn toàn không có món cảo khô sốt dầu hào gì cả. Món này sinh sau đẻ muộn, ăn cũng khá bắt. Nhưng với người có tuổi như tôi, kinh điển vẫn phải là cảo nước.
Dù hiện tại hàng quán càng lúc càng to lớn, kinh doanh càng lúc càng phát đạt nhưng các hàng quán đang đánh mất một nét đặc trưng. Đó là ngày xưa, khi vào quán, mấy chú tiểu nhị thường hỏi thực khách bằng tiếng Việt rồi quay lại gọi món bằng tiếng Hoa. Nay tuyển nhiều người ở tứ xứ đến đây làm, nên ít còn thấy cách gọi đặc trưng ấy nữa".
Cụ bà tiếp lời: "Nếu muốn thấy nét đặc trưng ấy, nên ghé vào mấy quán trong hẻm. Trong đó quy mô nhỏ hơn, nên người làm chủ yếu chỉ là người nhà. Thành thử vẫn giao tiếp bằng tiếng Hoa. Chất lượng không thua kém gì đâu. Thỉnh thoảng còn nghe mấy đứa con nít khóc bằng tiếng Hoa, cãi nhau bằng tiếng Hoa nữa. Vui tai lắm".
Sau một hồi ăn cho đã cái nư, mấy đứa quyết chốt hạ bằng món sủi cảo Hà Tôn Quyền chiên giòn. Dĩa sủi cảo vàng rụm, chấm với nước sốt xí muội. Anh Nguyễn Tuấn bình luận: "Cái dĩa cảo này mà uống bia thì hết ý luôn anh ơi". Mọi người cùng bàn vui vẻ gật đầu tán thành.
Sau khi ăn xong, mọi người nhấm nháp ly nước mía dâu, cùng hướng sự chú ý sang bàn bên cạnh, nơi có hai cô nàng nọ đang tranh luận.
Cô thứ nhất bảo: "Chỗ này ngon thì ngon đó. Nhưng không ngon bằng chỗ bên Nguyễn Trãi tao hay ăn". Cô thứ hai cãi lại: "Bên Nguyễn Trãi làm sao ngon bằng được chỗ này". Cô thứ nhất hỏi tiếp: "Mày ăn ở đây với ai?". "Tao ăn với bồ tao, còn mày ăn bên Nguyễn Trãi với ai?". "Tao cũng ăn với bồ tao".
Đến chịu với mấy cô. Ăn ở đâu không quan trọng, cứ được ăn với bồ là ngon nhất. Nhưng từ đó gợi tò mò cho nhóm chúng tôi: "Quán sủi cảo bên Nguyễn Trãi là quán nào mà có người dám bảo ngon hơn cả sủi cảo Hà Tôn Quyền vậy cà?"
Quyết định hôm nào sẽ tìm cho ra và trình bày lại với độc giả vậy.