Ngày 22/4, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án để làm rõ tố cáo của một số cá nhân đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Nội dung vụ án được Công an tỉnh Bình Dương khởi tố tương tự với vụ án mà Công an TP.HCM đã khởi tố đối với bà Nguyễn Phương Hằng trước đó, để làm rõ hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng.
Ở một diễn biến khác, tìm hiểu được biết, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng làm từ thiện nhiều, giúp đỡ nhiều người và được nhiều giấy khen, giấy chứng nhận về việc này.
Vậy đây có được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bà Nguyễn Phương Hằng khi vụ án được đưa ra xét xử?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, có nhiều tình tiết được quy định để có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo khi tòa án lượng hình.
Cụ thể các trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, bao gồm các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả; có thành tích suất sắc trong học tập, lao động, công tác...
Theo ông cường, Bộ luật hình sự cũng quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người phạm tội có thành tích suất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Theo hướng dẫn của hội đồng thẩm phán trước đây, được coi là thành tích suất sắc như sau: "Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…"
Theo quy định của pháp luật, khi quyết định hình phạt tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Điều 50 Bộ luật hình sự quy định, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị kết tội mà trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ cho thấy trước đây bà Hằng đã thực hiện các hoạt động từ thiện và được nhiều cơ quan tặng thưởng, giấy khen sẽ có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng được xác định là người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho nạn nhân cũng được xem xét là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
"Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, các tình tiết giảm nhẹ chỉ là một trong các yếu tố quyết định đến loại hình phạt và mức hình phạt" – ông Cường thông tin.