Bao Công (999 - 1062), tên thật Bao Chửng, chữ là Hi Nhân, quê gốc ở Lư Châu, Hợp Phì, Trung Quốc. Ông là vị quan nổi tiếng dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông.
Sinh thời, Bao Công hay còn gọi Bao Thanh Thiên được người đời nhớ đến là vị quan cương trực, không sợ quyền thế và dũng cảm đứng lên can gián cả nhà vua.
Khi xét xử các vụ án, Bao Công không bao giờ đối xử đặc biệt với bất cứ người nào, ngay cả khi vụ án có liên quan đến giới quý tộc, quan lại, thành viên hoàng tộc đức cao vọng trọng. Chính vì vậy, Bao Công được người dân nhà Tống và hậu thế ca ngợi và yêy mến.
uy nhiên, khi tìm hiểu về cuộc đời Bao Công, nhiều người đặt ra nghi vấn về cái chết bí ẩn của ông. Theo sử sách, Bao Công qua đời ở tuổi 64 khi đang giữ chức Khu mật phó sứ. Với những đóng góp to lớn cho triều đình, hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban thụy hiệu cho Bao Công là "Hiếu Túc". Sau khi hoàn thành các nghi lễ, thi hài Bao Chửng được đưa về quê cũ Lư Châu để an táng.
Trên mộ phần của Bao Công ở Đại Hưng Tập, ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy có khắc dòng chữ hé lộ nguyên nhân tử vong của vị quan thanh liêm này.
“Năm Gia Hựu thứ bảy, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12/5/1062) ra làm việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24/5/1062) thì không dậy được nữa”, nội dung viết trên mộ chí của Bao Công.
Theo đó, công chúng biết được Bao Cô đột ngột đổ bệnh. Sau 13 ngày phát bệnh, ông qua đời. Tuy nhiên, căn bệnh nào đã đoạt mạng Bao Công không được đề cập đến khiến công chúng càng tò mò hơn.
Một số giả thuyết cho rằng Bao Công có thể chết vì bị kẻ thù đầu độc bằng thạch tín. Do chất độc quá nguy hiểm nên dù được nhà vua ban thuốc tốt thì sức khỏe của ông không thể tốt hơn. Cuối cùng, Bao Công qua đời. Để giải mã nguyên nhân tử vong của Bao Công, các nhà khoa học tiến hành kiểm tra bộ hài cốt của viên quan này được tìm thấy trong mộ cổ ở Đại Hưng Tập.
Kết quả kiểm tra của các chuyên gia cho thấy hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người thường. Thông tin này giúp các chuyên gia bác bỏ thông tin Bao Công chết vì bị đầu độc bằng thạch tín.
Từ đây, một số chuyên gia đưa ra suy đoán Bao Công có thể tử vong do mắc bệnh về tim mạch hoặc bị đột quỵ nên phát bệnh rồi tử vong chỉ sau 13 ngày nằm trên giường bệnh.