Ngày 26/4, trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa có báo cáo kết luận về nguyên nhân tiểu dự án Cấp nước cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) làm xong không thể đưa vào sử dụng, trong có nguyên nhân đường ống chính dẫn nước liên tục bị vỡ, rò rỉ.
Dự án này do Sở NNPTNT Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 72 tỷ đồng, phục vụ nước tưới cho khoảng 400 ha cà phê, tiêu tại thôn Tiến Cường (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk).
Dự án được thi công cơ bản hoàn thành từ tháng 7/2020. Trong quá trình thử áp lực và chạy thử, đường ống chính bằng nhựa uPVC đường kính 630mm (dài 4.500m, dẫn nước từ hồ Buôn Yông về trạm bơm đặt tại khu tưới) đã liên tục bị vỡ tung, rò rỉ khớp nối tại 13 vị trí. Sau khi sửa chữa, đến tháng 11/2020 mới mở nước lại.
Nhưng chỉ một ngày sau khi mở nước, đường ống này tiếp tục bị vỡ. Từ đó đến nay, dự án bị "đắp chiếu" để tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, nguyên nhân chính khiến dự án không thể đưa vào sử dụng là do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cenco (trụ sở tại xóm Tràng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã có nhiều sai lầm trong tính toán, thiết kế dự án.
Theo đó, Công ty Cenco đã áp dụng sai tiêu chuẩn, dẫn đến việc tính toán lựa chọn đường ống chịu áp lực thấp, không đảm bảo so với áp lực nước. Trong quá trình thiết kế, công ty này cũng không tính toán lực nước va, không bố trí thiết bị giảm áp khi có lực nước va, không thiết kế các mố néo tại các vị trí chuyển hướng, không tính toán nội lực trong đường ống...
Trong khi đó, Sở NNPTNT Đắk Lắk (chủ đầu tư) đã giải ngân, chuyển toàn bộ giá trị khối lượng được nghiệm thu vào tài khoản của các nhà thầu, chỉ đề nghị ngân hàng tạm giữ hơn 7,8 tỷ đồng của 3 nhà thầu cho đến khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng.
"Đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân đối với sự việc vỡ ống và rò rỉ nước tại khớp nối tuyến ống trong quá trình thử áp và vận hành thử là do những tính toán, thiếu sót của thiết kế cộng thêm việc triển khai thi công không đúng và thiếu một số cấu kiện so với hồ sơ thiết kế được duyệt.
Trường hợp triển khai thi công đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt ban đầu, công trình cũng không thể đưa vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng", báo cáo của đoàn kiểm tra nêu.
Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NNPTNT yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát, tính toán lại toàn bộ tuyến ống theo thực tế hiện trạng để có phương án thiết kế bổ sung, khẩn trương khắc phục, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Đồng thời Sở NNPTNT căn cứ theo hợp đồng với các nhà thầu tiếp tục rà soát, tổng hợp các sai phạm khác, kiến nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tiểu dự án trên.
Đối với đơn vị thẩm định (Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở NNPTNT) trong quá trình thẩm định không phát hiện các tồn tại khiếm khuyết của hồ sơ thiết kế, đề nghị kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tổ chức và các cá nhân liên quan theo thẩm quyền.
Thi công sai thiết kế, thiếu khối lượng
Theo đoàn kiểm tra, nhà thầu thi công là Liên danh Phát triển nông thôn - Kỳ Nguyên - Bình Nguyên (gồm Tổng công ty Xây dựng NNPTNT Thanh Hóa - Công ty Cổ phần, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và Công ty TNHH Kỹ nghệ Bình Nguyên) đã thi công sai thiết kế, thiếu khối lượng nhiều hạng mục.
Cụ thể, trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt sử dụng các cút (Co) phi tiêu chuẩn để xử lý thay đổi cao trình, mặt bằng nhưng nhà thầu đã thay thế bằng các cút (Co) theo tiêu chuẩn 90 độ, 30 độ dẫn đến hướng tuyến và chiều sâu chôn ống có nhiều thay đổi.
Hố van xả khí XK3 cũng được nhà thầu tự ý thay đổi vị trí thấp hơn thiết kế. Ngoài ra, thiết kế có 109 mố néo dọc tuyến ống nhưng đơn vị thi công chỉ làm 53 mố, kích thước các mố néo nhỏ hơn so với hồ sơ thiết kế.